Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Năm phút


1.    Trước kia đây là thị trấn nghèo. Ga xép này lèo tèo dăm ba quán vắng, nhà thưa. Bây giờ đây là thành phố, nhà ga được mở rộng, tấp nập người, hàng. Mỗi ngày có sáu chuyến tàu khách qua lại: ba chuyến vào đêm, ba chuyến về ngày, mỗi chuyến đỗ năm phút.

Năm phút ấy có hàng tram khách lên, xuống tàu, hàng chục tấn hàng vào ga, ra chợ: huỳnh huỵch, hung hục, lam lũ, vất vả, khóc cười, gọi mời, giục giã, ồn ào… Tàu đến rồi đi trong năm phút, với bao hạng người lịch lãm, lôi thôi, đàn ông, đàn bà,người già, con trẻ.

Cứ mỗi chuyến tàu về ban ngày, bà giáo Mão lại ra ga, lên tàu, mang trong cái làn mây đã cũ ba xâu nem chua bán cho khách đi tàu. Đây là nem chua đặc sản của làng Vạc xa xưa mà nay sắp sửa thất truyền. Mỗi xâu một chục quả nem được buộc bởi những chiếc lạt giang nhuộm phẩm xanh, được xâu thành một chuỗi bởi lạt nhuộm phẩm hồng. Màu nâu nhạt của lá khô bọc ngoài quả nem,cùng với màu xanh, màu hồng của lạt, trông dơn sơ, dân dã mà không kém phần trân trọng.

2.    Nhiều khách mua đã quen hàng, thuộc giá, cứ thấy bà lên tầu là nhào đến đưa tiền lấy nem. Có người đeo ngay chục nem vào cổ như đeo chuổi hạt, có người cất kỹ vào túi, vào đẫy mang về làm quà. Lại có người tháo chuỗi nem ra mời, chia vui với bạn đồng hành :”Mời ông, mời bà, mời cháu. Các cụ dạy “Chuyến đò nên nghĩa”, nay ta cùng một chuyến tàu, xin mời ăn nếm cùng tôi quả nem đặc sản quà quê này mà nhớ”. Có vẻ rất thành thạo, bà khách nói thao thao trong tiếng xình xịch, ken két của bánh tàu đang vỗ nhịp với đường ray: “Đây là nem của bà giáo Mão. Gọi bà giáo vì chồng bà dạy học, còn bà nguyên là thanh niên xung phong, về mất sức, không có lương. Mỗi ngày bà làm chừng trăm quả nem, chỉ bán trong ba chuyến tàu ban ngày để kiếm tiền rau, muối. Bà làm nem này theo quy cách làm nem của làng Vạc từ đời xưa truyền lại. Ngoài việc chọn thịt ngon, giã nhuyễn, ướp tẩm công phu theo quy trình theo quy trình công thức gia truyền, ngay đến cái lá lốt, lá gói bà cũng làm kỳ công lắm: lá đinh lăng nõn nà được ngắt tỉa từ chiều hôm trước, trong vườn nhà nguyên là đất phù sa ngòi Vạc, nó có mùi thơm dìu dịu như hương quế thượng ngàn. Những chiếc lá ổi non, nguyên long tơ mịn, ngắt tù Trại Ổi tự ngàn xưa um tùm trên gò Vạc. Lá ổi, lá đinh lăng được rửa sạch bằng nước Giếng Ngọc của làng xưa. Một cái giếng truyền đời nước trong veo, những ngày nắng nhìn xuống giếng thấy mây bay lơ lửng giữa bầu trời. Lá chuối ngự được chọn kỹ, rọc thành tấm, hơ qua  trên lửa rơm vàng rồi lau sạch làm lá gói lót và những lá chuối già, lau sạch, rọc thành tấm, phơi giữa nắng trở nên màu nâu nhạt làm lá bọc ngoài cùng”.
   Miếng nem như ngon hơn qua câu chuyện kể. Bà khách lại càng hào hứng:”Người xưa không gọi là” cái nem,”chiếc nem”,”miếng nem như bây giờ. Các cụ gọi là “quả nem”, một thứ quà quê mà hương thơm mùi quả. Nó cũng có giờ chin tới, chin mõm và hỏng như quả na, quả ổi trong vườn.
    Quả nem chin, tỏa hương thơm dịu nhẹ của hương đất, hương cây, một thứ hương thơm ngon ngọt. Bóc hết lớp lá chuối già ta cảm như có chút thoảng thơm mặn mòi của thứ nước mắm cốt, đặc sánh được chắt ra từ lu sành, ướp giống tép dầu béo ngẫy của đầm quê. Và lõi nem màu hồng tươi đực bao ngoài một cánh nhỏ lá đinh lăng và chiếc lá ổi non đã được xén cho vừa phải…
    Ấy ! Mời ông, mời bà, mời cháu, bóc nem mà thưởng thức xem bà già này nói đúng hay sai. Quả nem cừa chin tới, khô, cầm tay mà cắn dè, ngẫm từ từ cho biết hương vị thơm của quà quê”.

3.    Hôm ấy bà giáo Mão vừa bước lên tầu, ngay góc ta đã có người gọi lớn:”Cô giáo”! Miệng nói tay hắn đón lấy cái làn mây, thành thạo móc ra ba xâu nem. Hai xâu hắn lồng qua đầu đeo vào cổ: một cái đầu trọc, sẹo gồ ghề, tóc mọc lởm chởm và một cái cổ vằn vèo bao nhiêu là sẹo. Hắn cầm  chục nem còn lại, tháo lạt và bảo:”Cô giáo bóc nem hộ con với”. Nó bóc nhanh và bà giáo bóc đỡ, cư hết phần lá chuối nõn là nó ném tột cả quả nem vào mồm, nhồm nhoàm nhai  ngấu  nghiến nuốt. Có khi hắn nhai vài ba quả nem một lúc.
    Nuốt xong chục quả nem, mắt hắn sáng quắc, khuôn mặt hình lưỡi cày giãn ra. Mãn nguyện Hắn nói :
-         Con là học trò của thầy. Một đứa học trò không cha, không mẹ, ăn trộm, ăn cắp, ai cũng khinh ghét, chỉ riêng thầy luôn gần gũi, dạy bảo con. Những ngày con trốn học, bỏ giờ, thầy cho gọi con đến nhà dạy bù, phù đạo. Dạy xong thầy cho xâu nem, ăn rồi nhớ mãi…
-         Con không còn tiền trả cho cô đâu, nhưng con có cái ái này gủi biếu thầy. Tấm áo vợ con đưa, ngày con nhập trại. Nó bảo:”Anh cầm lấy tấm áo này, nếu chết thì chon theo, nếu sống thì khoác nó về với em”. Cô cầm cái áo cho con vui. Mấy năm con mặc áo tù, áo này còn nguyên như mới. Cô đừng ngại. Con vừa được đặc xá. Vợ con đang đợi đón con ở ga sau.
Nói đoạn, hắn cởi áo, dúi vào làn mây, rồi đứng dậy lững thững bước sang toa bên. Trên cổ hắn toòng teeng hai vong nem như đôi vòng xích, trông vừa ngộ nghĩnh vừa ngang tang.
Đầu máy đã rúc một hồi còi dài, tiếng loa vang vang giục giã:”…Đã                                đến giờ tầu chuyển bánh…”
Cô giáo Mão bật khóc. Cô nói như phân bua với mọi người:”Khổ tôi quá ! Anh gì ơi! Nhà tôi đã mất rồi !”. Không một lời đáp lại. Anh chàng kia đã nhòa giữa bao người
Cô giáo Mão lập cập xuống sân ga vừa lúc táu chuyển bánh. Đoàn tầu xình xịnh đi về ga tiếp theo.
Lê Thuần Thảo

4 nhận xét:

  1. Bất nhẫn quá,đọc xong mình cứ lặng người,thấy bất lực .Lúc đầu mình trách mọi người trên tâu sao không cùng nhau bảo vệ bà giáo. Nghĩ đến cùng xã hội đang nhan nhả điều bất công mà mọi người có làm gì được ? Buốn !

    Trả lờiXóa
  2. Cái kết thật là bất ngờ, câu chuyện cảm động!

    Trả lờiXóa
  3. Hình như Huyền và TM hiểu 2 hướng khác nhau !
    Hoặc là cậu thanh niên này là kẻ lừa đảo ĂN DẬT,
    hoặc là câu này cũng CÙNG KHỔ.

    Trả lờiXóa
  4. Buồn cho các nhà giáo VN ,cái thằng học trò ấy cũng lạ ,nó ăn bao nhiêu rồi nó cởi chiếc áo gửi thầy mà không biết hỏi thầy có khỏe không ,thầy cô sống thế nào ? Theo tôi nó vẫn là một tên mất dạy ,chẳng tình nghĩa gí ,đến lúc này nó vẫn lợi dụng người tốt .

    Trả lờiXóa

hoangthnhatle@yahoo.com.vn