Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ
(Kính gửi: BĐH làng Lư Sơn-Quế Lâm)
   Các anh chị "Lư Sơn-Quế Lâm" (LS-QL)thân mến!
    Các bạn (anh chị) khối lớp 4 thân mến!
    Các bạn lớp 4 của tôi thân mến!
    Tôi là Hoàng Thị Nhật Lệ xin gửi tới các anh chị, các bạn tình thương yêu của người anh em cùng gia đình LS-QL.
   Tôi cảm ơn những ai còn nhớ tới tôi và chân thành xin mọi người tha lỗi cho tôi nếu tôi không còn nhớ đến một số anh chị và các bạn.
    Thực ra tôi không phải người vô tình mà do ông trời cho tôi một bộ nhớ thật tồi tệ.
    Thời gian ở LS-QL chỉ không đầy một năm nên tôi hoàn toàn không nhớ những chuyện nghiêm túc mà chỉ nhớ những chuyện động trời, phá phách và ba gai của tuổi thơ.
    Khi đọc vài kí ức về tuổi thơ của tôi xin các “cụ” hãy quay trở về thời kì cuối 1953 - đầu 1954, các cụ sẽ bắt gặp Nhật Lệ.
*     Làm kem
Tới Lô Sơn (Lư Sơn) chúng tôi được bố trí mấy chị em ở một phòng. Tôi không còn nhớ mình ở với những ai. Chúng tôi được nhận quà của Bác Mao gồm: thau, ca tráng men, bàn chải, khăn mặt, xà phòng… đường, bánh kẹo…
Phòng nào cũng có 2 lớp cửa kính vì rất lạnh.
Tôi và mấy bạn gái nảy ra “sáng kiến” – làm đá ngọt. Chúng tôi pha nước đường vào ca và đặt vào khoang trống giữa 2 lớp cửa kính.
Ngày hôm sau chúng tôi đóng cửa phòng và sung sướng thưởng thức mút những cục đá ngọt. (Không ngờ sau này mới hiểu đó cũng là 1 dạng kem vì hồi đó chưa biết từ KEM)
*   Trò chơi nở phổi
Những cao thủ nổi tiếng của các “phái” trên sân chơi U-MỌI:
- Chị Phương Lan
- Chị Thanh Hương
- Chị Minh Tuệ
- Chị Bè
- Bạn Thúy Liễu
- Bạn Muội
- Bạn Tuyết Nga
- Bạn Nhật Lệ
- Cùng một số đệ tử khác.
Trên sân chơi mọi người bốc thăm để chia làm 2 đội (phe). Tôi vào loại khỏe nhưng vẫn là hạng bét so với các chị có đẳng cấp. Cứ mỗi lần các cao thủ đối phương sang giải cứu tù binh, mặc dù được canh giữ cẩn thận nhưng chúng tôi vẫn hồi hộp và run khi thấy “đặc phái viên” của đối phương đứng im trong giây lát, hít đầy một lồng ngực và bắt đầu phi người, phóng thẳng vào “trại giam” tù binh. Chúng tôi ào ra ôm chặt tên đặc công. Có lần “nó” bứt ra và giải cứu được tù binh nhưng cũng có lần nó bị “sức mạnh tổng hợp”của đối phương ghì chặt đến “tắc thở”.
* Bánh bao
Buổi sáng chúng tôi được ăn cháo với calathau, củ hành muối hoặc sữa đậu nành với quẩy. Trưa và chiều chúng tôi được ăn cơm hoặc bánh bao.
Cũng chẳng biết ai qui định nhưng tôi nhớ “qui ước" - cứ một bát cơm tương đương 2 bánh bao. Hồi đó tôi mới 12 tuổi nhưng ăn rất khỏe, mỗi bữa tôi ăn 3 bát cơm. Nếu qui ra, tôi được ăn 6 bánh bao (chắc bánh bao hồi đó nhỏ chứ không như bánh bao bây giờ ở Sài Gòn, ăn 6 cái chắc chết). Tôi chỉ mong đến bữa cơm để được xực 6 bánh bao.
Tô mì
Theo qui định của nhà trường thì “em” nào ốm (bệnh) được ăn 1 tô mì thay cơm.
Hồi đó tôi khỏe lắm (chẳng bị ốm bao giờ) tôi thèm mì như các quí ông thèm “phở” bây giờ.
Tôi và bạn Tuyết Nga mong bị ốm để được báo ăn mì mà không ốm cho.
Một hôm 2 đứa bàn nhau, báo ốm để được ăn mì (mới 12 tuổi mà đã có gen nói dối - hư quá).
Chao ôi, mì ngon làm sao!
Nhưng hành động phiêu lưu của 2 đứa đành phải chấm dứt, vì nếu ốm tiếp thì buộc phải lên gặp bác sĩ.
Sợ ý đồ xấu xa bị bại lộ nên chúng tôi đành “chai chen” mì!
*  Sâu cước và bọ ngựa
Về Quế Lâm không được bao lâu nhưng những kỷ niệm vui thú của tuổi thơ cứ đeo bám tôi cả sau khi rời Quế Lâm.
Tôi không nhớ hồi đó tôi học hành kiểu gì mà chỉ nhớ các kiểu “ăn chơi” của nhóm “lợi ích thứ 3” (nhất quỉ, nhì ma…)
Tôi nhớ: ngoài giờ học, suốt ngày dang nắng đi bắt sâu cước để dọa mấy chị lớp lớn và đi bắt bọ ngựa chơi. Mỗi lần thấy chị nào rú lên nhảy tưng tưng vì sợ sâu là chúng tôi có một màn cười khoái chí.
Bọn tôi có phong trào “chăn bọ ngựa”. Chúng tôi bắt rất nhiều bọ ngựa rồi nuôi thả trong màn (mùng). Chúng không hề cắn ai. Hằng ngày, đến bữa ăn, chúng tôi nhặt những miếng thịt kho có cả mỡ, gói mang về cho bọ ngựa. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao bọ ngựa lại thích ăn thịt.
Trước lúc rời Quế Lâm tôi bàn giao “trang trại” bọ ngựa cho các bạn nữ của mình ở lại trường.
Những ngày đầu sống ở nước Nga tôi ít nhớ về gia đình mà chỉ nhớ và luyến tiếc bầy bọ ngựa được thả trong màn của tôi.
Bắt cá lia thia và học bạ
Sau khi chuyển về Quế Lâm tôi được xếp học lớp 4. Lớp 4 của tôi rất đông. Chắc chắn là có nhiều bạn trai nghịch ngợm nhưng cũng có những bạn trai trông khôi ngô dễ thương, nhưng hồi đó tôi còn “ngủ thì” (chưa dậy) nên không một bạn trai nào lọt vào “mắt nai” của tôi. Ngược lại tôi lại rất thích ngắm và nhớ mãi những cô giáo, các chị lớn, các bạn gái xinh đẹp, dịu dàng và nghịch ngợm như: cô Cơ, chị Thiên Hương… Phụng Mỹ, Thùy, Trình, Thanh Tú, Thục Anh, Ngân, Phương… Hồng Liên, Bích Hảo, Ngô Hà…
Chúng tôi hay chơi trận giả, u mọi, đánh găng…
Một hôm mấy bạn nữ lớp tôi rủ nhau đi bắt cá lia thia ở ruộng (do Tuyết Nga và tôi đầu têu).
Chúng tôi bỏ học dang nắng suốt buổi. Cá bắt được bỏ vào ca bác Mao mang về. Về đến nhà bị thầy Kính chủ nhiệm la và kiểm điểm. Thầy tuyên bố sẽ ghi vào học bạ.
Chiều hôm đó Thanh Tú buồn rầu rủ tôi ra ngồi khóc ở một gò mả gần sân trường. Hồi đó tôi thấy Thanh Tú xinh, có đôi mắt to và hàng lông mi dài và cong. Tôi thấy Thanh Tú khóc, tôi an ủi: Khóc làm gì, tớ cũng bị ghi học bạ như bạn. Từ nay không bỏ học đi bắt cá là được chứ gì? Nhưng cô nàng vẫn tiếp tục sụt sùi.
Thực ra tôi chả hiểu học bạ quan trọng như thế nào, nếu hiểu chắc tôi cũng khóc như Thanh Tú.  
Những hình ảnh khó quên
Mặc dù có trái tim lạnh và khô khan tôi vẫn phải ghi nhận LS-QL là cái nôi thứ 2 của đời mình.
- Hình ảnh những bà cụ già với 2 bàn chân bị bó nhỏ lần theo đường dốc mòn trên tuyết đến trường chúng tôi ở Lư Sơn để nhặt những xô thức ăn thừa của chúng tôi. Hồi đó người dân Trung Quốc cũng rất thiếu và đói nhưng vẫn phải nhường cơm xẻ áo cho con em Việt Nam.
- Những chú giải phóng quân Trung Quốc đêm hôm tuần tra canh gác bảo vệ sự bình yên và giấc ngủ của chúng tôi  trong bão tuyết.
- Những ông già hằng ngày vẫn quét tuyết sân trường để đảm bảo an toàn cho chúng tôi.
Chúng ta luôn mang nặng tình nghĩa của người dân Trung Quốc.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Đô thị cổ đẹp như trong cõi mộng
Dù cả trăm năm trôi qua, Fenghuang là đô thị cổ được bảo tồn rất tốt.
Ở Fenghuang, ngôn ngữ dân tộc độc đáo, phong tục, nghệ thuật cổ xưa vẫn còn rõ nét.
Những ngôi nhà mang đậm phong cách nhà Minh và Thanh vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Đô thị cổ nằm lưng chừng núi, bên cạnh những dòng suối trong mát tạo nên phong cảnh vô cùng hấp dẫn
Đô thị cổ Fenghuang được công nhận là Di sản thế giới do UNESCO công nhận
Phong cảnh Fenghuang khiến du khách có cảm giác như đang bước ra từ trong giấc mơ
Fenghuang vẫn gìn giữ được 20 khu phố cổ, hàng chục làn đường cổ và hơn 200 khu dân cư cổ xưa
Những ngôi nhà cổ kính đẹp duyên dáng bên dòng sông xanh mát
Fenghuang lung linh trong ánh đèn đêm
Con đường cổ uốn lượn quanh đô thị vẫn được bảo tồn
Khung cảnh Fenghuang tuyệt đẹp trong ánh bình minh

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Thơ của Bùi Thị Sơn

Những bài thơ dễ thương.

   EM ÔM THƠ NGỦ

   Em ôm thơ ngủ đêm đêm
   Nghe thơ quay quắt nỗi niềm đầy vơi
   Giằng co hai chữ Con - Người đớn đau
   Đặt thơ lên gối đỉnh đầu
   Máu chảy rần rật, vàng thau nổi chìm
   Đặt thơ lên giữa trái tim
   Tim đập loạn nhịp, nhấn chìm xa xưa
   Đêm đêm ôm ấp vần thơ
   Khóc ròng tiếc một giấc mơ không thành


     NỢ THƠ

   Nợ tiền thì trả bằng tiền
   Nợ tình ươm đóa thơ hiền tặng nhau
   Người tặng câu lục xanh xao
   Em thêm câu bat gói vào vu vơ...

   Người thơ nói tiếng cũng thơ
   Năm canh thao thức...
             thẫn thờ...
                   năm canh !


        HỒN THƠ ĐA TÌNH

   Làm sao gói được giấc mơ
    Làm sao trói nổi hồn thơ đa tình
    Cái thời em trẻ em xinh
    Người đà đầy rẫy mối tình vắt vai...

    Gặp em người chẳng đoái hoài
    Người chê Gái núi mắt nai ngố tầu
 
    Bây giờ nỡ trách chi nhau?
    Miếng trầu đã héo, quả cau úa vàng
    Thôi thì trọn kiếp đa mang
    Thôi thì đành để lỡ làng mắt nai..


        TÌNH GIÀ    

    Trẻ già ai cũng muốn yêu
    Như chim cất cánh, như diều bay cao

    Gừng già cay ấm biết bao
    Tình già đằm thắm, thanh tao , đậm đà

    Chẳng còn kết trái đơm hoa
    Tình già thơ phú bay xa lưng trời...

    Tình già chay tịnh thế thôi !
    Ai ơi !
            Sao nỡ
                    chê bôi
                             tình già ?.

     (gửi các cụ cặp đôi tình già của Làng ta )
 

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

TỰ ÐIỂN VIỆT-MỸ


Tìm thấy trong sổ tay một Du khách Mỹ đánh rơi trên bãi biển ở VN

- Ăn đi : Không có nghĩa là vừa ăn vừa đi mà chỉ nhắc nhở ai đó Ăn mạnh vào.
- Ăn mặc : Không có ăn chi cả mà chỉ có mặc không thôi
- Ăn nói: Cũng không ăn chi cả mà chỉ nói không thôi
- Buồn cười : Không có buồn gì cả mà chỉ có cười không mà thôi
- Cà lăm, Cà nhắc, Cà chớn, Cà khịa, Cà rịch, Cà tang : Không phải những loại Cà để ăn,mà những tật không hay của người ta.
- Ðánh Giày : Không phải là Phang, Ðánh, đập, đá vào Giày mà là "o bế ", làm đẹp cho Giày.
- Ðánh Răng : Không phải là Ðánh, Ðập. . cho Răng đau, mà dùng bàn chải và kem làm cho sạch răng mà thôi.
- Ði Cầu : Là đi vô toilet chứ không phải lái xe hay chạy qua cầu đâu.
- Hai Vợ Chồng : Không có nghĩa là 2 Vợ 1 Chồng mà chỉ có 1 Vợ 1 Chồng thôi.
- Hai Ông Bà : Không có nghĩa là 2 Ông 1 Bà, mà chỉ có 1 Ông 1 Bà thôi.
- Làm thinh ; Không có làm việc gì cả mà chỉ yên lặng , không nói năng chi hết.
- Làm biếng : Cũng không có làm chi hết mà chỉ . . .chơi không mà thôi.
- La cà : không la rầy ai cả mà rề rà (?) ghé chỗ này chỗ kia.
- Làm răng (mần răng) : Làm thế nào chứ không phải đi chữa Răng đau đâu.
- Ngâm thơ : Không phải là đem lá thơ ngâm vô nước, mà là đọc. .kéo từng chữ cho dài ra,cho người ta nghe hay hay.
- Nhà tôi : Không phải là cái nhà để ở mà NGƯỜI BẠN ÐỜI hay MỘT NỬA KIA. . . . của mình.
- Nhà thơ,nhà văn,nhà báo : Không có nghĩa là nhà để chứa những bài thơ,bài văn hay báo chí, mà là chỉ người làm thơ,viết văn,viết báo...
- Ông Sui : Là Ba mình gọi Ba của vợ mình, chứ không có nghĩa là" Mr. . Unlucky " đâu.
- Tục ngữ : Không phải là những lời thô tục ,mà là những lời dạy dỗ quý báu trong dân gian