Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014



 Mời các cụ đọc cho vui:
 

Số phận kỳ lạ của một người Việt ở Peru

08:58 | 05/12/2013
(PetroTimes) - Nếu bây giờ nói rằng có một người nào đó từng phải ngủ hơn 1.000 đêm ngoài vỉa hè thì hẳn bạn đọc sẽ không tin.

Nếu nói rằng có một người nay đã trở thành ông chủ, dù chỉ là ông chủ nhỏ, nhưng cách đây 10 năm, anh ta không có một xu dính túi, không biết nửa chữ ngoại ngữ thì chắc hẳn bạn đọc cũng sẽ không tin.

Vậy mà người đó đã vươn lên từ hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng và đã vươn lên sau hơn 1.000 ngày ngủ vỉa hè. Đó là Nguyễn Tiến Văn, một trong bốn người Việt Nam đang sinh sống ở Peru - đất nước ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.



                                                 Anh Nguyễn Tiến Văn

Quả thật, nếu không gặp trực tiếp Nguyễn Tiến Văn, mà chỉ nghe mọi người kể thì hẳn không thể nào tin nổi. Tôi đã đến quán ăn của Nguyễn Tiến Văn ở Peru, đã được gặp anh và vợ, được nghe anh kể, đã thấy được anh quả là con người có số phận kỳ lạ.

Nhưng trước khi bắt đầu vào câu chuyện này, với tư cách là một nhà báo, tôi xin bày tỏ sự kính trọng với hai vị Đại sứ Việt Nam ở khu vực Nam Mỹ là ông Nguyễn Văn Đào và ông Nguyễn Văn Tích. Ông Đào là Đại sứ Việt Nam tại Chile, Ecuador, Peru từ năm 2000 đến 2005. Sau đó ông Tích là Đại sứ ở các quốc gia này những năm tiếp theo.

Trở lại câu chuyện về Nguyễn Tiến Văn, Văn sinh ra ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 18 tuổi, Văn rời gia đình, đi làm thuê cho một ông chủ Đài Loan với công việc đánh cá ngoài biển. Hai năm trời lênh đênh trên biển, Văn không một lần được về nhà, cũng không được cầm hộ chiếu, không có một thứ giấy tờ gì. Tất cả đã bị ông chủ người Đài Loan giữ hết. Điều khủng khiếp nhất là gã chủ này đã bắt Văn làm việc như trâu ngựa. Có những ngày ở trên tàu, Văn phải làm việc tới 20h đồng hồ. Ăn đói, mặc rét, lao động vất vả đã đành, Văn còn bị đánh đập, hành hạ.

Chịu không nổi cảnh đầy đọa trên tàu, vào một ngày cuối năm 2000, khi tàu cập cảng Peru để lấy thêm xăng dầu, Nguyễn Tiến Văn đã bỏ trốn lên bờ. Lúc này, trong túi Văn có đúng 100 đô la, trên người chỉ có một bộ quần áo, không có giấy tờ tùy thân. Còn tiếng Tây Ban Nha thì tất nhiên, nửa tiếng Văn cũng không biết. Vốn liếng tiếng Hoa mà Văn có được chỉ là những tiếng hết sức đơn giản mà trong 2 năm đi làm thuê, Văn đã học được. Với 100 đô la, Văn sống không nổi chục ngày ở Thủ đô Lima.

Không biết tiếng Tây Ban Nha, Văn chỉ có thể bắt đầu kiếm sống bằng cách đến những khu chợ và ra hiệu bằng tay, chân, bằng ánh mắt, bằng lời nói tiếng Việt mà chẳng ai hiểu được để xin làm thuê. Thấy người ta vác gạo, Văn xông vào nói liến thoắng, rồi ra hiệu họ để bao gạo lên lưng mình. Người gày gò, bé nhỏ, nhưng có những lúc, Văn đã phải vác bao gạo nặng tới 70kg. Những người Peru thương tình, cho Văn bốc vác và khi thì trả cho vài ba chiếc bánh mỳ, khi thì vài đồng Sol. Ngày nào nhiều thì Văn kiếm được 10 sol, ngày ít thì chỉ có 5,6 sol. Ngày ấy 3,5 sol đổi được một đô la. Số tiền đó chỉ đủ để Văn mua bánh mỳ và uống nước lã.

Ban đêm, Văn phải ngủ trên vỉa hè. Anh phải tìm những chỗ khuất gió trong các hẻm, rồi những mái che rộng, che được mưa để trải những tấm bìa các tông rồi nằm ngủ. Để chống cái rét ở Peru có khi xuống tới 100C, lại kèm theo cả mưa phùn gió bấc như ở Việt Nam, Văn phải nhặt nhạnh giấy báo, bìa các tông để đắp lên người.

Suốt hơn 3 năm trời, Văn lang thang ở các khu chợ ở Thủ đô Lima bốc vác, rửa bát thuê, bán kem, bán báo, bán kẹo cao su. Người ta giao cho làm gì có tiền là Văn làm. Có thời gian hàng tháng trời Văn không biết đến hạt cơm, sống chủ yếu bằng bánh mỳ và nước lã, tối ngủ vỉa hè. Ấy vậy mà Văn vẫn tồn tại.

Sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè và lang bạt khắp nơi, Văn được nhận vào làm rửa bát cho một quán ăn ở quận Flores. Đó là quán Hồng Phú. Chủ quán là một người Trung Quốc, biết Văn đã lang thang ở đây lâu, nhưng nhanh nhẹn nên chủ quán nhận anh vào rửa bát. Ban ngày Văn rửa bát trong quán, tối lại bị đuổi ra ngoài, không được ngủ trong quán vì không có một thứ giấy tờ tùy thân nào. Tuy vậy, làm rửa bát ở quán ăn vẫn có thu nhập khá và đều đặn hơn những ngày lang thang. Mỗi ngày, Văn được chủ quán trả cho 20 sol.

Làm ở đây được vài tháng, Văn lại chuyển sang làm cho một quán ăn khác ở quận San Martín. Ông chủ quán này lại có thêm một quán khác ở quận Rímac. Thấy Văn nhanh nhẹn, hoạt bát và chịu khó, ông chủ giao cho Văn vừa làm rửa bát và phụ bếp. Vào một ngày đầu năm 2004, sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè, lần đầu tiên Văn được ông chủ cho ngủ lại trong bếp, trên một chiếc đi - văng rách. Văn kể lại với tôi rằng: đến bây giờ đã có lúc được ngủ ở khách sạn năm sao, giường êm, chăn ấm nhưng có lẽ không có cảm giác nào sung sướng hơn khi sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè, anh được ngủ trên tấm đi - văng đó.

Từ rửa bát và giúp việc vặt trong bếp, Văn được tin tưởng đưa lên làm phụ bếp. Vậy là lương tháng của anh lúc này đã được 540 sol, tức là vào khoảng 200 đô la.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian, có những người Hoa khác đến, thế là ông chủ lại đuổi Văn đi. Anh lại đến làm cho một quán khác ở quận Surco. Lúc này, tiếng Tây Ban Nha của Văn đã đủ để nói chuyện được tương đối. Ở quán này, thường xuyên có một đôi vợ chồng già người Peru đến ăn,người chồng tên là Cesar, vợ là Party. Thấy Văn dễ thương, đôi vợ chồng già nhận Văn làm con nuôi. Nghe Văn kể về hoàn cảnh của mình, bà mẹ nuôi ôm Văn khóc rưng rức. Sau đó, ông bà đưa Văn đến Bộ Ngoại giao Peru để xin làm giấy tờ. Tất nhiên là chẳng có Bộ Ngoại giao nào làm giấy tờ hợp pháp cho một người mà không biết tung tích, lai lịch ở đâu ra. Không nản lòng, ông bà lại đưa Văn đến Hội Chữ thập đỏ Quốc tế để được giúp đỡ, can thiệp đưa về Việt Nam nhưng vẫn không được.

Vì thương Văn không có giấy tờ nên không có cách gì tồn tại hợp pháp ở Peru, cha mẹ nuôi của Văn đã sang tận Chile để tìm gặp ông Nguyễn Văn Đào, Đại sứ Việt Nam ở Chile. Ông bố nuôi đã kể hết câu chuyện cuộc đời Văn với ông Đào và khiến ông Đào vừa lo, vừa buồn đến mất ăn mất ngủ. Ông xót xa cho số phận của một người Việt nay đang phải sống lang thang nơi đất khách quê người. Ít hôm sau, nhân một chuyến đi công tác sang Peru, ông Đào đã tìm gặp Văn và cha mẹ nuôi. Lúc này, Văn đã có cơ hội để lần tìm về nhà. Lúc này, ở Việt Nam, gia đình Văn đã lập bàn thờ vì anh đi bặt tăm bặt tích, không có tin tức gì trong gần 6 năm.

Ông Đào tìm đủ mọi cách để làm lại giấy tờ cho Văn. Sau 6 năm sống lang bạt ở Peru, vào cuối năm 2006, Văn đã cầm trên tay cuốn hộ chiếu là công dân Việt Nam.

Rời quán ăn cũ, Văn lại chuyển đến một quán ăn khác tên là Hồng Xuân ở quận Victoria và lần này được làm bếp trưởng. Tại đây, Văn gặp được một cô gái làm phục vụ bàn tên là Chavez Sheyla Smit. Hai người yêu nhau, nhưng gia đình cô gái thì dứt khoát không đồng ý. Nhưng Văn và cô gái vẫn quyết định thuê nhà ở cùng nhau. Một năm sau, cô con gái đầu lòng ra đời. Văn đặt tên là Nguyễn Minh Dung. Thấy có cháu, cha mẹ cô gái đổi giận làm mừng và đứng ra tổ chức lễ cưới. Trong đám cưới, gia đình nhà gái thì đông, nhưng đại diện gia đình nhà trai chỉ có 2 người là Đại sứ Việt Nam tại Chile, Ecuador, Peru là ông Nguyễn Văn Đào và phu nhân. Để có được giấy tờ hợp pháp để sống tại Peru, Nguyễn Tiến Văn lại xin visa sang Ecuador, rồi xin visa,
 nhập cảnh trở lại vào Peru. Sau đó, anh mới được cấp giấy cư trú tại Peru.

Đến năm 2009, hai vợ chồng Nguyễn Tiến Văn lại quay trở lại quận Surco và kết thúc cuộc đời đi làm thuê. Lúc này, hai vợ chồng đã tích góp được một số tiền để thuê cửa hàng và mở được một quán ăn riêng. Cũng trong thời gian này, ông Đào thôi làm nhiệm vụ Đại sứ, Đại sứ mới ở Chile, Ecuador; Peru là ông Nguyễn Văn Tích. Biết chuyện của Văn từ ông Đào bàn giao lại, mỗi lần qua Peru, ông Tích đều gặp Văn, coi Văn như con. Có những lần, ông còn lấy tiền túi cho Văn.

Khi có được địa điểm, Văn và vợ đánh liều vay bố mẹ vợ một số tiền. Thương con, ông bà cho vay ít tiền và không lấy lãi. Những người bạn bè Peru và cả người Hoa cũng cho hai vợ chồng Văn vay một ít tiền nữa. Hai vợ chồng Văn có trong tay 30.000 đô la để mở quán. Đúng dịp khai trương quán, Peru là nước đăng cai Hội nghị APEC. Đoàn doanh nhân Việt Nam đến Peru khá đông. Thấy có một quán ăn Việt Nam tại Lima, anh em cũng tới ăn. Tất nhiên, tiếng là quán ăn Việt Nam nhưng các món ở đây chủ yếu là món Tàu. Cũng có khi vì chiều khách, Văn làm thêm những món ăn Việt Nam như rau luộc, cá kho.

Quán của Văn không lớn, chỉ có 8 bàn ăn, chồng nấu bếp, dọn dẹp, vợ chạy bàn, thu tiền. Có những ngày, hai vợ chồng Văn làm quần quật từ 7h sáng hôm trước tới 4h sáng hôm sau. Bà mẹ vợ người Peru thương con, thương cháu cũng đến trợ giúp và thế là cuộc sống của Văn bắt đầu ổn định từ năm 2009.

Bây giờ, Văn đã trở thành một ông chủ. Tuy chưa giàu có gì, nhưng anh cũng đã mua được ô tô riêng. Khi tôi đến, Văn đã thuê được một căn hộ rộng hơn 100m2. Hai vợ chồng đã có thêm cô con gái thứ hai tên là Nguyễn Minh Anh, mới được 2 tháng tuổi. Tuy mới sinh con được 2 tháng, nhưng vợ Văn đã mang con đến cửa hàng, vừa trông con, vừa thu tiền. Năm vừa rồi, quán đông khách, Văn đã về Việt Nam và đưa thêm anh chị em họ sang phục vụ quán.

Văn nói với tôi: hiện nay, người Việt Nam ở Peru rất đông, chủ yếu là anh em Viettel sang làm cơ sở hạ tầng cho mạng điện thoại di động. Người Việt Nam dù ở địa phương nào thì cũng có một món muốn ăn là Phở nên tới đây, anh sẽ thuê địa điểm mở quán phở Việt.

Bây giờ kinh tế đã có bát ăn, bát để, nhưng Văn chưa bao giờ quên những ngày hàn vi. Người mà anh luôn nhắc đến bằng một tấm lòng biết ơn vô bờ là Đại sứ Việt Nam ông Đào và ông Tích. Những người Việt sang Peru công tác cần bất cứ sự trợ giúp nào như đưa đi chơi, đưa đến sân bay, Văn đều hết lòng, hết sức giúp đỡ mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Anh em ở Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí chi nhánh tại Peru đối với Văn như những người anh em trong nhà.

Thời gian tôi ở Peru không được lâu, Văn cứ áy náy là không thể đưa tôi đi chơi chỗ này, chỗ khác vì biết tôi phải đi xuống mỏ dầu ở giữa rừng Amazon. Văn hẹn tôi nếu có lần sau sang đây thì chắc chắn sẽ mời tôi ăn phở sáng theo đúng phong vị Việt Nam.

Nguyễn Như Phong



9 nhận xét:

  1. Cụ ơi, tôi cũng vừa đọc chuyện này xong, thật đáng thương và cũng thật đáng phục con người này. Qua đây, ta hiểu được nếu quyết tâm, hết sức thì sẽ đạt dược mục đích mình muốn đến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em không vào com được nên ké vào chi P. Câu chuyện cảm động quá chị ạ!

      Xóa
  2. Anh Nguyễn Tiến Văn này thật là người có nghị lực lớn lao và sức chịu đựng ghe gớm. Anh đã vượt qua bao cửa ải mới có được cuộc sống như ngày nay. Rất đàng khâm phục. Nhưng cái cảnh khổ sở của anh thì tôi thấy không ít người VN đã bị lâm vào những bước đường cùng như thế chỉ có là hoàn cảnh khác nhau và sức chịu đựng khác nhau nên không phải ai cũng có được kết cục như anh NTVăn. Cảm ơn Lệ đã cho đọc.

    Trả lờiXóa
  3. Ý chí, chịu đựng, nghị lực, vượt qua được tất cả và may mắn tồn tại, gặp được người tốt và trở thành người làm ăn thành công có gia đình hạnh phúc, đáng khâm phục và chúc mừng cho Nguyễn Tiến Văn.

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện hay,đáng khâm phục.Mừng chô anh Tiến Văn và gia đình anh ấy.Cám ơn Lệ đã cho đọc

    Trả lờiXóa
  5. Chao bạn,lâu lắm rồi mới có dịp gặp lại nhau. tôi đã đọc bài của bạn, rất hay và bổ ích cho mọi người, nhất là những người có điều kiện mà không chịu làm việc.

    Trả lờiXóa
  6. dung la ong troi co dat hieu sinh co nhi.
    con chao co nhe

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là trời khônh phụ lòng người.Ở hiền ắt gập lành. Hai ông bà cha mẹ nuôi của anh Văn đúng là ông, bà tiên của cuộc đời anh .

    Trả lờiXóa
  8. Một bài học về ý chí kiên cường, sự chịu đựng và quyết tâm để sống. Anh Văn từ tay không đã làm nên tất cả. Rất đáng để chúng ta khâm phục và học tập

    Trả lờiXóa

hoangthnhatle@yahoo.com.vn