Tối, sau khi cơm nước chừng nửa
tiếng là ông đi tập thể dục. Nửa tiếng sau, xem xong bộ phim dài tập
đang chiếu, bà cũng khóa cửa nẻo cẩn thận, đi bộ ra khu công viên.
Khu dân cư cao cấp rộng gần ba
mươi hecta, phân khu, phân lô đàng hoàng, đường sá điện đóm cũng đâu
vào đấy mà chỉ có khoảng trăm cái nhà. Công viên rộng, sát con kênh
lớn, lúc nào cũng đầy gió. Sáng sáng chiều chiều, những con đường
thênh thang chợt nhộn nhịp vì những bước chân của ông già bà lão, rôm
rả vì những câu chuyện. Chuyện cô con gái mới lấy chồng, chuyện đứa
cháu đích tôn mới vào lớp một, chuyện anh con trai lên chức...
Ông có “lộ trình” nhất định. Ra
khỏi nhà, đi chừng hai trăm bước quẹo trái, cứ thẳng đường hơn cây số
sẽ tới công viên, ngồi nghỉ chừng năm phút lại quay lui là được một
vòng. Buổi tối ông đi hai vòng, cũng năm cây số. So với ngày xưa leo
đồi vượt núi, năm cây số này có vẻ nặng nề hơn vì tuổi ngoài tám
mươi.
Bà cũng đi cùng đường như ông,
có khác là bà mang theo cái đài nhỏ. Bà thích nghe cải lương nên đi
đâu bà cũng mang nó theo. Có người hỏi sao ông không đi cùng bà, ông
bảo:
- Bả thích cái đài đó hơn
thích tui.
Người nọ cười, ông nói thêm:
- Bả còn bận coi phim, mà mấy
phim đó tui coi không lọt mắt, thôi ra đường hóng gió coi bộ khỏe.
Nói rồi ông cười khà khà đi
tiếp.
Người ta cũng hỏi bà câu đó,
bà nói:
- Ổng có thích nghe cải lương
đâu mà tui cho đi cùng.
Bà nói ngắn gọn hơn, có vẻ
dằn dỗi. Cũng đúng, vì bà là phụ nữ, phụ nữ có quyền... yếu đuối
và hờn dỗi.
Hai tối nay bà bị đau khớp nên
không đi dạo. Ông đi về, nói bà này bà kia hỏi thăm bà. Còn nói bà
đi đâu cũng có bạn.
Sáng, bà đi chợ về, thấy trước
cổng nhà mình có chị phụ nữ ngoài sáu mươi đang dòm dòm vào sân.
Bà dựng xe:
- Chị tìm ai ạ?
Chị này giật mình:
- Dạ, em tìm nhà anh Út, quê
Quảng Bình.
- Chị tìm anh có chuyện gì
không?
- Dạ, mấy hôm ngồi ngoài công
viên, em nghe giọng biết anh là đồng hương nên anh em có giao lưu chuyện
trò. Thấy anh nói chị nhà anh bệnh, em nghĩ là không chợ búa gì
được nên em mua ít đồ mang tới cho anh.
Bà cười nhạt, bà kia vẫn vô tư:
- Tội anh lắm chị ạ. Nghe anh
nói anh có vợ mà đi đâu cũng đi một mình, vợ chồng không hợp nhau
khổ thế đấy.
- Thế anh Út còn nói gì với
chị không?
- Dạ, nhiều chuyện lắm chị ạ,
chuyện nhà, chuyện vợ con, rồi quê hương...
Bà cắt ngang:
- Cảm ơn chị tới thăm, anh Út
chồng tôi đang ở trong nhà, chị vào chơi. Tôi là vợ anh Út, tôi vẫn
chợ búa, cơm nước và dọn dẹp nhà cửa được, chưa đến nỗi liệt
giường mà phải phiền chị.
Bà kia ớ lên, mặt mũi đỏ bừng,
vội “chào chị” rồi đạp xe đi mất.
Bà mở cổng, ném túi đồ ăn lên
sàn bếp.
- Hôm nay mua được gì vậy bà?
Bà thích ăn thịt, ông thích tôm
cá vụn kho mặn. Loại thức ăn gợi nhớ những ngày xa xôi ở quê. Bao
lần bà nói ông bị huyết áp, tiểu đường phải kiêng khem, thế mà bà
vừa nhãng ra một tí là ông bỏ thêm cả thìa muối vào nồi cá. Có
lần bà dỗi:
- Ông muốn chết sớm à? Chết để
thoát khỏi tôi à?
Ông nhìn bà, có chút buồn
cười, già rồi còn hờn với dỗi:
- Thì tôi nhường bà đi trước, lo
liệu cho bà xong xuôi rồi mới tới phần tôi.
Ngày trẻ bà đẹp lắm, tóc bà
rất dài, đen mượt. Ngày ấy ông là cán bộ cấp cao của sở, lại vừa
đi nước ngoài về mà bà có thèm để vào mắt. Ngày ấy bà đi đâu đám
thanh niên vây đến đấy. Gần ba năm theo đuổi, ông mới cưới được bà,
nghe bà đồng ý mà ông còn ngỡ ngàng, sau ông biết bà vừa có chuyện
buồn.
Anh con trai bà thích đã về quê
cưới vợ.
Gần năm mươi năm chung sống, cũng
có chuyện nọ chuyện kia, ba đứa con ra đời và gia đình yên ấm cũng
làm ông mãn nguyện. Hạnh phúc của đàn ông vốn đơn giản.
Bà nhìn ông bằng khóe mắt:
- Hôm nay tôi không mua gì cho ông,
vì có người sẵn sàng mua sắm hầu hạ ông rồi. Vợ ông vụng về, lại
ốm liệt giường làm sao phục vụ ông được.
Ông ớ người, nghe bà kể chuyện
có người vừa đến cửa. Ông nghe mà ngỡ ngàng, ngỡ ngàng hơn là ông
chợt thấy những giọt nước mắt chậm rãi bò dọc gương mặt nhăn nheo
của bà. Giọng bà nghẹn lại, bà bỏ vào buồng, đóng chặt cửa.
Suốt một tuần, bà không nói
với ông câu nào. Ba đứa con ở xa nghe nói mẹ ốm lôi cháu về thăm, chỉ
thấy bà nằm im lìm, người gầy rộc, hỏi gì cũng không nói. Ông chỉ
biết gãi đầu.
Con cháu cơm cháo, ông mang vào
cho bà, bà xoay mặt vào tường tránh. Ông xoa xoa ngón tay đỏ ửng vì
bát cháo nóng:
- Bà ăn tí cháo đi. Con cháu
chúng nó về cả, chúng nó cười cho.
Bà bật ngồi dậy:
- Ông mới sợ chứ tôi có gì
phải sợ. Tôi có tối tối ngồi công viên nói chuyện với đồng hương, có
đi nói xấu chồng, trù ẻo chồng ốm liệt giường không?
Hôm qua bà hàng xóm sang thăm,
bà hỏi thăm còn biết bà kia đã xin nghỉ về quê. Nếu không có tật,
sao phải trốn về quê?
- Thì tôi gặp đồng hương nên có
vui miệng, mà tôi có nói gì quá đâu. Hôm qua tôi sang nhà bà ấy hỏi
thì nghe nói chồng bà ấy ở quê vừa mất, bà ấy phải về.
- Ông không quan tâm, không hỏi han
thì người ta có quấn lấy ông không? Sống với tôi bao năm, có bao giờ
ông nói một câu quan tâm. Ông còn chưa bao giờ nói yêu tôi nữa.
Nói một hơi, bà có vẻ mệt,
lại nằm xuống, lần này còn kéo chăn phủ kín người. Ông ngồi tần
ngần một lát, chậm rãi đi ra.
Đôi mắt mờ đục như nhớ lại
chuyện ngày xa lắm, ông nhếch miệng cười. Vừa nãy, ông kịp thấy mặt
bà như ửng đỏ.
Bà có bệnh gì đâu.
Đều đã tám mươi rồi...
Truyện 1.200 chữ của NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Mình tưởng tình yêu không có tuổi tác mà sao lại bảo tình già cụ Nhật Lệ nhỉ?
Trả lờiXóaChúng ta đâu có còn trẻ, đểu ngoài cổ lai hy cả rồi mà. Thế nhưng còn có những giọt nước mắt là tốt quá rồi đó ! Tưởng rằng đã khô cạn đến cả những giọt nước mắt !
Trả lờiXóaGià rồi mà vẫn hờn ghen.
Trả lờiXóaVẫn yêu ,nũng nựu,làm duyên tình già !
Hì câu chuyện đến là hay. Không biết khi 80 em còn hờn dỗi được nữa không?
Trả lờiXóaNhà chị có nhạc không lời hay quá! Cứ muốn nghe mãi!
chuyên vui chia sẽ cùng bạn và chuc tết vui nhé
Trả lờiXóaNĂM MỚI SẮP ĐẾN RỒI, CHÚC LỆ HAI CÁNH TAY KHỎE NHƯ HAI VÓ NGỰA. CHÚC CẢ NHÀ ĐI CHƠI TẾT THẬT VUI.
Trả lờiXóaChúc bạn một năm mới MÀ DÁO THÀN CÔNG !
Trả lờiXóaChúc Lệ năm mới mọi điều tốt đẹp, mọi sự gặp may!Trả lờiXóa
С НОВЫМ ГОДОМ. ЖЕЛАЮ ТЕБЕ:
Cám ơn các cụ !
Trả lờiXóa