Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đàn bà uống rượu
Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà
  
 Sỏi đá phôi pha

1. Bao giờ sỏi đá phôi pha

    Thường những gì đầu tiên bảng lảng rất khó quên và hoang mang khó quên nhất là những nỗi nhớ của một vài tình yêu đầu. Những mối tình đầu ấy không cứ phải là một thiếu nữ. Hoặc chỉ là rưng rưng một trang sách nguệch ngoạc bên lề mấy chữ tỏ tình. Hoặc là nỗi hồi hộp trong trắng vô cớ trước một chuyến đầu tiên đi xa. Đôi khi, nó giản dị là nham nhở một vết cắt mù mờ ký ức, nhưng nó rờn rợn miên viễn ám ảnh rồi tái tạo bao nhiêu là thời gian đã mất. Một nhà văn bạn thân vong niên, người đối ẩm với tôi qua nhiều ngày rỗng tuếch đã hơn một lần kể. Ông không làm sao nhớ nổi được truyện ngắn đầu tiên của mình mà loay hoay chỉ nhớ về cốc rượu đầu tiên. Còn tôi, đương nhiên tôi nhớ được nụ hôn đầu, tôi không thể quên nỗi tuyệt vọng đầu và tôi luôn nghẹn ngào nhớ cái lần đầu nghe nhạc Trịnh.
    Phố nhỏ nơi tôi ở của cái thời xa vắng ấy là một phố công giáo thuần thành. Phố buồn bã hơi trầm, dịu dàng nằm sát Nhà thờ Lớn Hà Nội. Chênh chếch bên kia vỉa hè nhà tôi có một nhạc sĩ già, ông là người chơi đại phong cầm duy nhất của ca đoàn giáo xứ. Ông nhạc sĩ là kiểu ẩn sĩ tinh hoa nhiều kỹ tính của Hà Nội phố cổ. Giống như cái đại phong cầm độc đáo kia đang âm thầm bị mối ăn, ông mòn lặng thanh bạch sống với nhạc. Hình như ông ít sáng tác, có lẽ hồi đó người ta quen hát hùng ca tráng ca chứ ít ai chịu hát thánh ca. Ông ham chơi cờ và trong mênh mông cô đơn ông đành chơi với tôi, một thằng nhóc vừa xong trung học, có thói quen của thời đại, chẳng biết chia sẻ và hừng hực hiếu thắng. Cái buổi chiều lạ lùng ấy, như nhiều lần tôi sang nhà ông chơi và đang sắp sửa chuẩn bị chiếu bí thì bưu điện gửi đén một bưu phẩm chỏ. Ông nhạc sĩ già chắc biết trước, run run lấy dao rọc giấy xi măng màu vàng nhếch nhác, phía trong là một đĩa nhạc vuông " bốn nhăm" bìa in chân dung hơi nhòe một thanh niên có cái nhìn đeo kính mỏi mệt của một trung niên. Ông nhạc sĩ già lưỡng lự đưa mắt sang tôi, rồi như không dừng được, ông để đĩa lên cái máy quay sờn cũ sạch sẽ. Ông im lặng thành kính mông lung, phía tường đối diện là cây Thánh giá Đức Chúa Giêsu chịu nạn. " Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao." Tôi hoang mang ngồi cạnh ván cờ dang dở, người như tan theo cái giọng ca day dứt mộc huyền mị. Đó là "Sơn ca 7", đó là Khánh Ly, đó là "Diễm xưa". Và nhưng nhức bao trùm hơn hết, đó là Trịnh Công Sơn. Tôi nhìn bác nhạc sĩ long lanh sương lệ, rồi tôi nhìn tôi, lần đầu tiên tôi biết thế nào là " ướt mi".
    Những ván cờ tiếp theo ở "những buổi chiều không biết cất vào đâu" (thơ Thi Hoàng) tôi hạnh phúc được nghe "Hạ trắng" nghe "Cho một người nằm xuống" nghe những nỗi bâng khuâng chập chờn khắc khoải mà thế hệ mới lớn miền Bắc của tôi chưa từng thấy có. Vào đại học, vì tin ở nhạc Trịnh Công Sơn, tôi đi tìm Bùi Giáng, Nguyên Sa, Phạm công Thiện, Dương Nghiễm Mậu.. những kiểu cách hỉ nộ ái ố chẳng biết có là đúng hay sai, nhưng chắc chắn là tuyệt khác, tuyệt độc đáo. Và cũng từ nhạc Trịnh, tôi lâng lâng cay đắng thấy "Tuổi đá buồn" bởi tôi cũng đã yêu. Lạy Chúa, khi nàng bỏ "tôi bơ vơ giữa đời" để đi khát khao tìm danh tìm lợi thì thay bằng hằn học chua chát, tôi tự lẩm nhẩm "Em còn nhớ hay em đã quên". Ca khúc của Trịnh Công Sơn đã đạt tới chiều kích an ủi của những tôn giáo lớn.
    Ngày người nhạc sĩ già mất, tôi không biết. Những năm tháng ấy tôi lang thang đi mưu sinh. Căn nhà cũ của ông nhạc sĩ, những người thân đã bán cho một gã tầm thường để làm thành một quán cà phê. Tôi đã từng ngồi ở đấy, cố đừng bảo hoải nghe nốt "Như cánh vạc bay" và "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" được các diva thời thượng ồn ào gào thét. Tồi tôi đi như trôi về phía khuôn viên có hang đá Đức Mẹ. "Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài... Còn ai, còn ai". Giống như không biết bao nhiêu lần buồn nản, tôi níu kéo Trịnh Công Sơn cùng vào thánh đường, cầu nguyện cho những kỷ niệm thôi bớt phôi pha.
    Lúc ấy, chiều Hà Nội hình như có mưa bay trên tháp chuông Nhà thờ Lớn. 
 ............................................................................................................
Kỳ sau mời đọc: " Đàn bà uống rượu, Đàn ông dở hơi"

4 nhận xét:

  1. Đọc mãi chẳng tháy người " Đàn bà uống rượu " đâu,chỉ thấy một chuyện buồn mang mác rất Hà Nội xưa :Hay!
    Cụ nay bằng mọi cách chọc ghẹo bạn chơi !

    Trả lờiXóa
  2. NGUYỄN VIỆT HÀ, " GIAI PHỐ CỔ" CÓ CÁCH VIẾT ĐỘC ĐÁO THẬT CHỊ À!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi biết ở HN THỜI CS bao cấp có nhiều nhạc sĩ ,họa s4 ,nhà văn rơi vào nghiện ngâp vì chán đời.Nhiều chuyện đời buồn lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau!

    Trả lờiXóa

hoangthnhatle@yahoo.com.vn