Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014



 Mời các cụ đọc cho vui:
 

Số phận kỳ lạ của một người Việt ở Peru

08:58 | 05/12/2013
(PetroTimes) - Nếu bây giờ nói rằng có một người nào đó từng phải ngủ hơn 1.000 đêm ngoài vỉa hè thì hẳn bạn đọc sẽ không tin.

Nếu nói rằng có một người nay đã trở thành ông chủ, dù chỉ là ông chủ nhỏ, nhưng cách đây 10 năm, anh ta không có một xu dính túi, không biết nửa chữ ngoại ngữ thì chắc hẳn bạn đọc cũng sẽ không tin.

Vậy mà người đó đã vươn lên từ hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng và đã vươn lên sau hơn 1.000 ngày ngủ vỉa hè. Đó là Nguyễn Tiến Văn, một trong bốn người Việt Nam đang sinh sống ở Peru - đất nước ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.



                                                 Anh Nguyễn Tiến Văn

Quả thật, nếu không gặp trực tiếp Nguyễn Tiến Văn, mà chỉ nghe mọi người kể thì hẳn không thể nào tin nổi. Tôi đã đến quán ăn của Nguyễn Tiến Văn ở Peru, đã được gặp anh và vợ, được nghe anh kể, đã thấy được anh quả là con người có số phận kỳ lạ.

Nhưng trước khi bắt đầu vào câu chuyện này, với tư cách là một nhà báo, tôi xin bày tỏ sự kính trọng với hai vị Đại sứ Việt Nam ở khu vực Nam Mỹ là ông Nguyễn Văn Đào và ông Nguyễn Văn Tích. Ông Đào là Đại sứ Việt Nam tại Chile, Ecuador, Peru từ năm 2000 đến 2005. Sau đó ông Tích là Đại sứ ở các quốc gia này những năm tiếp theo.

Trở lại câu chuyện về Nguyễn Tiến Văn, Văn sinh ra ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 18 tuổi, Văn rời gia đình, đi làm thuê cho một ông chủ Đài Loan với công việc đánh cá ngoài biển. Hai năm trời lênh đênh trên biển, Văn không một lần được về nhà, cũng không được cầm hộ chiếu, không có một thứ giấy tờ gì. Tất cả đã bị ông chủ người Đài Loan giữ hết. Điều khủng khiếp nhất là gã chủ này đã bắt Văn làm việc như trâu ngựa. Có những ngày ở trên tàu, Văn phải làm việc tới 20h đồng hồ. Ăn đói, mặc rét, lao động vất vả đã đành, Văn còn bị đánh đập, hành hạ.

Chịu không nổi cảnh đầy đọa trên tàu, vào một ngày cuối năm 2000, khi tàu cập cảng Peru để lấy thêm xăng dầu, Nguyễn Tiến Văn đã bỏ trốn lên bờ. Lúc này, trong túi Văn có đúng 100 đô la, trên người chỉ có một bộ quần áo, không có giấy tờ tùy thân. Còn tiếng Tây Ban Nha thì tất nhiên, nửa tiếng Văn cũng không biết. Vốn liếng tiếng Hoa mà Văn có được chỉ là những tiếng hết sức đơn giản mà trong 2 năm đi làm thuê, Văn đã học được. Với 100 đô la, Văn sống không nổi chục ngày ở Thủ đô Lima.

Không biết tiếng Tây Ban Nha, Văn chỉ có thể bắt đầu kiếm sống bằng cách đến những khu chợ và ra hiệu bằng tay, chân, bằng ánh mắt, bằng lời nói tiếng Việt mà chẳng ai hiểu được để xin làm thuê. Thấy người ta vác gạo, Văn xông vào nói liến thoắng, rồi ra hiệu họ để bao gạo lên lưng mình. Người gày gò, bé nhỏ, nhưng có những lúc, Văn đã phải vác bao gạo nặng tới 70kg. Những người Peru thương tình, cho Văn bốc vác và khi thì trả cho vài ba chiếc bánh mỳ, khi thì vài đồng Sol. Ngày nào nhiều thì Văn kiếm được 10 sol, ngày ít thì chỉ có 5,6 sol. Ngày ấy 3,5 sol đổi được một đô la. Số tiền đó chỉ đủ để Văn mua bánh mỳ và uống nước lã.

Ban đêm, Văn phải ngủ trên vỉa hè. Anh phải tìm những chỗ khuất gió trong các hẻm, rồi những mái che rộng, che được mưa để trải những tấm bìa các tông rồi nằm ngủ. Để chống cái rét ở Peru có khi xuống tới 100C, lại kèm theo cả mưa phùn gió bấc như ở Việt Nam, Văn phải nhặt nhạnh giấy báo, bìa các tông để đắp lên người.

Suốt hơn 3 năm trời, Văn lang thang ở các khu chợ ở Thủ đô Lima bốc vác, rửa bát thuê, bán kem, bán báo, bán kẹo cao su. Người ta giao cho làm gì có tiền là Văn làm. Có thời gian hàng tháng trời Văn không biết đến hạt cơm, sống chủ yếu bằng bánh mỳ và nước lã, tối ngủ vỉa hè. Ấy vậy mà Văn vẫn tồn tại.

Sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè và lang bạt khắp nơi, Văn được nhận vào làm rửa bát cho một quán ăn ở quận Flores. Đó là quán Hồng Phú. Chủ quán là một người Trung Quốc, biết Văn đã lang thang ở đây lâu, nhưng nhanh nhẹn nên chủ quán nhận anh vào rửa bát. Ban ngày Văn rửa bát trong quán, tối lại bị đuổi ra ngoài, không được ngủ trong quán vì không có một thứ giấy tờ tùy thân nào. Tuy vậy, làm rửa bát ở quán ăn vẫn có thu nhập khá và đều đặn hơn những ngày lang thang. Mỗi ngày, Văn được chủ quán trả cho 20 sol.

Làm ở đây được vài tháng, Văn lại chuyển sang làm cho một quán ăn khác ở quận San Martín. Ông chủ quán này lại có thêm một quán khác ở quận Rímac. Thấy Văn nhanh nhẹn, hoạt bát và chịu khó, ông chủ giao cho Văn vừa làm rửa bát và phụ bếp. Vào một ngày đầu năm 2004, sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè, lần đầu tiên Văn được ông chủ cho ngủ lại trong bếp, trên một chiếc đi - văng rách. Văn kể lại với tôi rằng: đến bây giờ đã có lúc được ngủ ở khách sạn năm sao, giường êm, chăn ấm nhưng có lẽ không có cảm giác nào sung sướng hơn khi sau hơn 3 năm ngủ vỉa hè, anh được ngủ trên tấm đi - văng đó.

Từ rửa bát và giúp việc vặt trong bếp, Văn được tin tưởng đưa lên làm phụ bếp. Vậy là lương tháng của anh lúc này đã được 540 sol, tức là vào khoảng 200 đô la.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian, có những người Hoa khác đến, thế là ông chủ lại đuổi Văn đi. Anh lại đến làm cho một quán khác ở quận Surco. Lúc này, tiếng Tây Ban Nha của Văn đã đủ để nói chuyện được tương đối. Ở quán này, thường xuyên có một đôi vợ chồng già người Peru đến ăn,người chồng tên là Cesar, vợ là Party. Thấy Văn dễ thương, đôi vợ chồng già nhận Văn làm con nuôi. Nghe Văn kể về hoàn cảnh của mình, bà mẹ nuôi ôm Văn khóc rưng rức. Sau đó, ông bà đưa Văn đến Bộ Ngoại giao Peru để xin làm giấy tờ. Tất nhiên là chẳng có Bộ Ngoại giao nào làm giấy tờ hợp pháp cho một người mà không biết tung tích, lai lịch ở đâu ra. Không nản lòng, ông bà lại đưa Văn đến Hội Chữ thập đỏ Quốc tế để được giúp đỡ, can thiệp đưa về Việt Nam nhưng vẫn không được.

Vì thương Văn không có giấy tờ nên không có cách gì tồn tại hợp pháp ở Peru, cha mẹ nuôi của Văn đã sang tận Chile để tìm gặp ông Nguyễn Văn Đào, Đại sứ Việt Nam ở Chile. Ông bố nuôi đã kể hết câu chuyện cuộc đời Văn với ông Đào và khiến ông Đào vừa lo, vừa buồn đến mất ăn mất ngủ. Ông xót xa cho số phận của một người Việt nay đang phải sống lang thang nơi đất khách quê người. Ít hôm sau, nhân một chuyến đi công tác sang Peru, ông Đào đã tìm gặp Văn và cha mẹ nuôi. Lúc này, Văn đã có cơ hội để lần tìm về nhà. Lúc này, ở Việt Nam, gia đình Văn đã lập bàn thờ vì anh đi bặt tăm bặt tích, không có tin tức gì trong gần 6 năm.

Ông Đào tìm đủ mọi cách để làm lại giấy tờ cho Văn. Sau 6 năm sống lang bạt ở Peru, vào cuối năm 2006, Văn đã cầm trên tay cuốn hộ chiếu là công dân Việt Nam.

Rời quán ăn cũ, Văn lại chuyển đến một quán ăn khác tên là Hồng Xuân ở quận Victoria và lần này được làm bếp trưởng. Tại đây, Văn gặp được một cô gái làm phục vụ bàn tên là Chavez Sheyla Smit. Hai người yêu nhau, nhưng gia đình cô gái thì dứt khoát không đồng ý. Nhưng Văn và cô gái vẫn quyết định thuê nhà ở cùng nhau. Một năm sau, cô con gái đầu lòng ra đời. Văn đặt tên là Nguyễn Minh Dung. Thấy có cháu, cha mẹ cô gái đổi giận làm mừng và đứng ra tổ chức lễ cưới. Trong đám cưới, gia đình nhà gái thì đông, nhưng đại diện gia đình nhà trai chỉ có 2 người là Đại sứ Việt Nam tại Chile, Ecuador, Peru là ông Nguyễn Văn Đào và phu nhân. Để có được giấy tờ hợp pháp để sống tại Peru, Nguyễn Tiến Văn lại xin visa sang Ecuador, rồi xin visa,
 nhập cảnh trở lại vào Peru. Sau đó, anh mới được cấp giấy cư trú tại Peru.

Đến năm 2009, hai vợ chồng Nguyễn Tiến Văn lại quay trở lại quận Surco và kết thúc cuộc đời đi làm thuê. Lúc này, hai vợ chồng đã tích góp được một số tiền để thuê cửa hàng và mở được một quán ăn riêng. Cũng trong thời gian này, ông Đào thôi làm nhiệm vụ Đại sứ, Đại sứ mới ở Chile, Ecuador; Peru là ông Nguyễn Văn Tích. Biết chuyện của Văn từ ông Đào bàn giao lại, mỗi lần qua Peru, ông Tích đều gặp Văn, coi Văn như con. Có những lần, ông còn lấy tiền túi cho Văn.

Khi có được địa điểm, Văn và vợ đánh liều vay bố mẹ vợ một số tiền. Thương con, ông bà cho vay ít tiền và không lấy lãi. Những người bạn bè Peru và cả người Hoa cũng cho hai vợ chồng Văn vay một ít tiền nữa. Hai vợ chồng Văn có trong tay 30.000 đô la để mở quán. Đúng dịp khai trương quán, Peru là nước đăng cai Hội nghị APEC. Đoàn doanh nhân Việt Nam đến Peru khá đông. Thấy có một quán ăn Việt Nam tại Lima, anh em cũng tới ăn. Tất nhiên, tiếng là quán ăn Việt Nam nhưng các món ở đây chủ yếu là món Tàu. Cũng có khi vì chiều khách, Văn làm thêm những món ăn Việt Nam như rau luộc, cá kho.

Quán của Văn không lớn, chỉ có 8 bàn ăn, chồng nấu bếp, dọn dẹp, vợ chạy bàn, thu tiền. Có những ngày, hai vợ chồng Văn làm quần quật từ 7h sáng hôm trước tới 4h sáng hôm sau. Bà mẹ vợ người Peru thương con, thương cháu cũng đến trợ giúp và thế là cuộc sống của Văn bắt đầu ổn định từ năm 2009.

Bây giờ, Văn đã trở thành một ông chủ. Tuy chưa giàu có gì, nhưng anh cũng đã mua được ô tô riêng. Khi tôi đến, Văn đã thuê được một căn hộ rộng hơn 100m2. Hai vợ chồng đã có thêm cô con gái thứ hai tên là Nguyễn Minh Anh, mới được 2 tháng tuổi. Tuy mới sinh con được 2 tháng, nhưng vợ Văn đã mang con đến cửa hàng, vừa trông con, vừa thu tiền. Năm vừa rồi, quán đông khách, Văn đã về Việt Nam và đưa thêm anh chị em họ sang phục vụ quán.

Văn nói với tôi: hiện nay, người Việt Nam ở Peru rất đông, chủ yếu là anh em Viettel sang làm cơ sở hạ tầng cho mạng điện thoại di động. Người Việt Nam dù ở địa phương nào thì cũng có một món muốn ăn là Phở nên tới đây, anh sẽ thuê địa điểm mở quán phở Việt.

Bây giờ kinh tế đã có bát ăn, bát để, nhưng Văn chưa bao giờ quên những ngày hàn vi. Người mà anh luôn nhắc đến bằng một tấm lòng biết ơn vô bờ là Đại sứ Việt Nam ông Đào và ông Tích. Những người Việt sang Peru công tác cần bất cứ sự trợ giúp nào như đưa đi chơi, đưa đến sân bay, Văn đều hết lòng, hết sức giúp đỡ mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Anh em ở Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí chi nhánh tại Peru đối với Văn như những người anh em trong nhà.

Thời gian tôi ở Peru không được lâu, Văn cứ áy náy là không thể đưa tôi đi chơi chỗ này, chỗ khác vì biết tôi phải đi xuống mỏ dầu ở giữa rừng Amazon. Văn hẹn tôi nếu có lần sau sang đây thì chắc chắn sẽ mời tôi ăn phở sáng theo đúng phong vị Việt Nam.

Nguyễn Như Phong



Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

 Mời các cụ tham khảo

Những đặc quyền của tổng thống Mỹ


airf1

Thời gian trôi qua, những đặc quyền dành cho tổng thống ngày càng nhiều hơn. Mặc dù một số đặc quyền gây tranh cãi song nhìn chungngười Mỹ dường như chấp nhận cách đối xử đặc biệt này.

Nghỉ hưu
Các cựu tổng thống đã nhận được khoản lương hưu lên đến 191.300 USD/năm. Ngoài số tiền đó, họ còn có một đội ngũ nhân viên được ăn lương và văn phòng làm việc, được miễn tiền điện thoại, được chu cấp phí đi lại. Họ nhận được khoản bồi thường trong trường hợp phải  dời văn phòng làm việc. Được chăm sóc y tế rất  tốt tại những bệnh viện quân đội.
Các cựu tổng thống có thể ngủ ngon giấc nhờ dịch vụ an ninh tuyệt vời, dịch vụ này sẽ hỗ trợ  suốt 10 năm sau khi họ rời Nhà Trắng. Sau cùng, họ được hưởng một nghi thức lễ tang theo cấp nhà nước.

Lương bổng
Vào năm 2001, Quốc hội Mỹ đã nâng mức lương tổng thống từ 200.000 USD/năm lên thành 400.000 USD/năm. Nhưng chưa hết. Các tổng thống còn nhận thêm khoản tiền 100.000USD cho các chi phí đi lại. Ngoài ra, họ còn được 19.000USD cho các mục  giải trí. Mặc dù mức lương phải chịu thuế, nhưng những khoản tiền  này không hề bị đánh thuế một xu nào.

Máy bay Air Force One
Khi tổng thống đi lại, họ cũng có phương tiện  riêng. Mặc dù bất kỳ máy bay nào chở tổng thống cũng đều được gọi là “Air Force One”, nhưng cái tên này được ám chỉ cho hai chiếc máy bay phản lực Boeing 747-200B, chúng được thiết kế đặc biệt chỉ để dành cho tổng thống. Trung bình chiếc máy bay này có thể chở 70 hành khách và 26 nhân viên phi hành đoàn.
Nửa sau của máy bay là các phòng dành cho nhân viên, khu vực truyền thông và các khu vực an ninh, dưới buồng lái của máy bay là phòng của tổng thống nó bao gồm văn phòng, phòng tắm, phòng ngủ và phòng thể thao.
Tầng trên của máy bay là trung tâm viễn thông, trong khi đáy máy bay là kho chứa hàng. Riêng chiếc máy bay chở hàng mang tên

C141 Starlifter chuyên chở các loại xe như những chiếc xe hơi Limousine bọc thép, sẽ chở tổng thống đến bất kỳ nơi đâu ông muốn.

Trong những chặng hành trình ngắn như từ Trại David hoặc khu Căn cứ không quân Andrews, tổng thống thường sử dụng trực thăng, nó gọi là Marine One. Hạm đội máy bay trực thăng hiện tại của tổng thống Mỹ bao gồm Sikorsky VH-3D Sea Kings và VH-60N Black Hawks. Các kế hoạch trang bị những chiếc trực thăng
Marine One mới đang còn gây tranh cãi khi Lầu Năm Góc công bố vào năm 2008 rằng mỗi chiếc sẽ có giá thành khoảng 400 triệu USD.

Trại David
Khi các tổng thống cần thư giãn dài ngày, bao giờ họ cũng nghĩ đến việc sẽ đến khu Trại David hẻo lánh. Vào năm 1942, cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã xây dựng khu trang trại xinh đẹp này, trị giá 25.000USD. Trại David nằm trên đỉnh ngọn núi Catoctin, ngoại ô thành phố Thurmont, bang Maryland . Khu trang trại này nằm chỉ cách Washington D.C khoảng 113km, một nơi nghỉ ngơi yên tĩnh, hoàn toàn tách rời với khung cảnh đô thị ồn ào, sầm uất, rất lý tưởng cho tổng thống.

Vào mùa hè, nhiệt độ tại Trại David cũng mát mẻ hơn so với những khu vực xung quanh. Tổng thống Roosevelt đã thường xuyên lui tới đây trước khi ông qua đời, tên ban đầu của nó là Shangri-la – nguyên nghĩa là tên của một vùng đất thiêng ở Tây Tạng, cái tên xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết “Chân trời đã mất”.

Tổng thống Eisenhower sau đó trùng tu khu trang trại và đổi tên nó là Trại David nhằm tưởng nhớ đến người cháu trai của mình. Tổng thống Carter sử dụng Trại David làm nơi tổ chức những buổi nói chuyện hòa bình giữa tổng thống Ai Cập và thủ tướng Israel vào năm 1978.
Ngày nay, Trại David không đón tiếp công chúng và rất  an toàn. Sau vài lần trùng tu, tại đây có 11 phòng ngủ và văn phòng, hồ bơi, khu săn bắn và sân chơi bowling. Các tổng thống đến đây bằng trực thăng.

Cadillac One
Chiếc limousine đang sử dụng cho tổng thống đương nhiệm gọi là Cadillac One. Lớp bọc thép trên cỗ xe Cadillac One này dầy đến 12,7cm, các cánh cửa xe nặng như cánh cửa của máy bay Boeing 757, các lốp xe vẫn chạy  ngay cả khi nó bị thủng.
Trên xe có hệ thống cung cấp khí ô-xy và thiết bị chữa cháy và thậm chí có cả ngân hàng máu của tổng thống. Bên ngoài xe có gắn camera hồng ngoại cho phép tài xế lái xe khi thời tiết xấu. Chiếc xe có thể bắn lựu đạn cay và phun khói khi cần thiết.

Nhà Trắng
Nhà Trắng là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất về uy tín và quyền lực của tổng thống Mỹ. Tòa nhà này được xây dựng vào những năm đầu 1800, nơi cư trú tiếng tăm này đã trải qua nhiều lần biến đổi. Cái tên Nhà Trắng được Tổng thống Theodore Roosevelt chính thức đặt năm 1901.Ngày nay, nó gồm có 132 phòng các loại và 35 phòng tắm.
Nhà Trắng gồm 6 tầng: 2 tầng hầm, 2 tầng dành cho khách du lịch và 2 tầng dành cho gia đình tổng thống. Mỗi ngày Nhà Trắng đón khoảng 6.000 du khách. Chi phí cho Nhà Trắng khá tốn kém, đắt đỏ, chỉ riêng hoa tươi dùng để trang trí cho các căn phòng đã ngốn khoảng 252.000USD/năm. Chi phí bảo trì cho Nhà Trắng hàng năm tốn xấp xỉ 4 triệu USD.

Nhân sự
Người đứng đầu các nhân viên quản gia và điều hành hoạt động tại Nhà Trắng được gọi bằng cái tên “Trưởng trợ giáo”. Người này chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên tại 3 khu vực chính, điều phối cuộc sống riêng tư và công cộng của tổng thống.

Bếp trưởng tại Nhà Trắng là Cristeta Comerford, người phụ nữ đầu tiên giữ vững cương vị này kể từ năm 2005. Đội ngũ bác sĩ tại Nhà Trắng điều trị cho gia đình tổng thống, phó tổng thống, nhân viên Nhà Trắng và khách. Nhà Trắng có khoảng 450 nhân viên, lương trung bình 82.000USD/năm/người. Hơn 20 người được hưởng mức lương cao 170.000 USD/năm, trong đó thư ký báo chí: Jay Carney.

Nhà Blair
Nhà Blair là nhà khách  chính thức dành cho tổng thống Mỹ. Nó là một  gồm 4 căn nhà liên kết với nhau. Nhà Blair thực sự còn lớn hơn cả Nhà Trắng với diện tích hơn 21.336m2.
Khối nhà này có hơn 119 phòng các loại bao gồm hơn 20 phòng ngủ dành cho khách khứa và nhân viên, 35 phòng tắm, 4 phòng ăn, 1 phòng tập thể dục, một cửa hàng hoa và một tiệm làm đầu. Đã từng có một vài vị tân tổng thống và gia đình của họ đã nghỉ vài đêm tại Nhà Blair trước khi đặt chân vào Nhà Trắng. Khi các nguyên thủ nước ngoài nghỉ tại Nhà Blair, thì mặt trước ngôi nhà này sẽ tung bay lá quốc kỳ của nước họ.