Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Đàn bà uống rượu
Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà

 3. Đàn ông dở hơi
    Ở Hà Nội vào hồi còn bao cấp, có khá nhiều chuyện tương đối bình thường nhưng không hiểu sao cho đến hôm nay bỗng thấy rất hiếm. Ví như ở hồi ấy, hầu hết mỗi phố cổ đều long lanh có một người đẹp cực kỳ nổi tiếng. Vào cái thời xa vắng đó tuyệt chưa có điêu toa intờnét còn đài và báo thì trong sạch vô cùng, người đẹp nổi tiếng là tự nhiên bình dị, mọi người thầm thì tâm phục khẩu phục qua thật thà truyền miệng. Do hoàn cảnh khó khăn chung, nên các mỹ nhân này thường tần tảo giúp gia đình bán chè bán dưa cà bán kẹo lạc hoặc sang trọng hơn thì bán cà phê và nước hoa quả mà nôm na được gọi là "hàng giải khát". Những chiều muộn có mây tim tím, đám tre trẻ đàn ông đầu chải dầu bóng mượt (có kẻ ít tiền thì dùng nước bọt) hoặc cô đơn hoặc bầy đàn đạp xe "Phượng hoàng" Tàu " Thống nhất" Việt "Mi pha" Đức rầm rập rủ nhau lượn lờ qua nhà các nàng. Các người đẹp thấp thoáng núp sau bố mẹ, ai nấy đều tuyệt vời xinh, một kiểu xinh mà giờ đây đã thất truyền. Tóc thật đen, da thật trắng, cười thật tươi, phong độ dịu dàng lẫn lộn kiêu sa đài các với trong trắng đoan trang. Quả là hững sắc đẹp kinh hoàng độc đáo. Và độc đáo nhất, giống như trong văn chương mỹ nhân thường ở cạnh anh hùng, thì ở đời thật, cạnh nhà các nàng luôn có một tay đàn ông trên dưới xấp xỉ ba mươi bị người ta cho là dở hơi.
    "Dở hơi" theo nhiều từ điển tiếng Việt được giải thích là hâm hấp là gàn gàn là lẩn thẩn. Còn theo y học dân gian cổ truyền thì "Hơi" chính là "Khí" một thuật ngữ kinh điển Đông y. Khí quan trọng lắm. Con người ta biết ăn biết yêu biết say mê chơi chứng khoán biết khôn ngoan nhận hối lộ chính là nhờ sự thông hoạt của Khí và Huyết. Nếu khí nhịp nhàng đều đặn thở ra hít vào theo đúng nhịp lên xuống của giá cả thị trường thì người đời đồng thanh cho đấy là khỏe mạnh đủ hơi. Còn nếu khí ngập ngừng lưỡng lự "ho ra thơ thở ra văn" thì đích thực là đồ dở hơi. Và đàn ông dở hơi thì tuyệt đại đa số đều là những người tử tế đặc biệt lương thiện. Do quá nhạy cảm mong manh nên hơi thở của họ không chịu được những nặng nề ô trọc của thế cuộc. Hoặc họ uyên bác vì đọc nhiều sách nên ngộ chữ. Hoặc họ quá nồng nàn ngây thơ yêu nên bị ngộ tình. Hoặc họ đểu giả lừa bán rẻ. Hoặc họ bị ngu xuẩn thô bạo dập vùi. Họ thường ăn mặc sạch sẽ, áo sơ mi bỏ trong thùng, hiền lành cười dịu dàng nhìn đám thanh niên đang mon men yêu kia trêu chọc. Họ sẵn sàng chuyển giúp đám trẻ những bức thư tình vì có thể họ lơ ngơ cay đắng biết trong đám đó rồi đây cũng có vài đứa yêu quá hóa dở hơi. Nói chung, bề ngoài họ chẳng khác gì người bình thường cả. Họ chỉ khác là không biết gian xảo đếm vàng, đê tiện chạy chức và thỉnh thoảng thăng hoa họ lại vô tư đọc thơ tình, đọc công thức toán, đọc danh ngôn triết học.
    Nền kinh tế thị trường bây giờ vẫn còn đàn ông dở hơi nhưng xuất xứ phức tạp hơn. Hầu như đã hết những người gàn vì chữ, hâm vì tình mà nhốn nháo phần đông là lẩn thẩn vì tiền. Chất lượng dở hơi vì thế cũng khác xưa, hay dở chưa bàn nhưng nó tạo ra một khoảng trống nho nhỏ. Ở cuộc sống hôm nay, gần nhà những đàn ông dở hơi đã hết sạch các loại mỹ nhân và nếu thảng thốt có còn thì cái người đẹp ấy phong độ cũng không còn gì đáng kể.
    Để kết thúc cái phiếm luận "dở hơi" này xin được kể một chuyện của chính mình. Hôm nọ vô cớ hứng lên tự tay làm một bữa uống ở nhà. Bạn thì vẫn vậy thôi, vừa cũ vừa kỹ, hoặc viết hoặc vẽ cả đời mà tiền bạc vẫn ghét mặt không chịu gặp nên khi uống phê phê tất thẩy hay hoành tráng thở dài. Nghe kể về người ta có cổ phiếu có xe hơi có chung cư cao cấp, bỗng thấy mờ mịt xa xôi hoang đường như chuyện cổ tích. Rồi tự an ủi nhau "Đời toàn là những người điên thật chỉ duy chúng mình là tỉnh". Nói chưa dứt lời thì cô vợ chán ăn trưa ở cơ quan đột ngột giáng lâm. Nhìn lỏng chỏng người, nhìn lỏng chỏng chai thì đôi má đang lộng lẫy hồng hào bỗng cáu gắt chuyển sang màu xanh lạnh lẽo giống như tai lợn đang dịch. Chào lấy lệ rồi gõ guốc xuống nhà rút môbai buôn oang oang với bạn "Ra Ciao ăn gì nhé. Về nhà gặp lão hâm nhà tao lại mời bạn nhậu, người ngợm rặt như một lũ dở hơi".
    Cả bọn tự ngẫm nghĩ thấy hình như cũng đúng. Duy có điều hơi buồn tủi là sinh bất phùng thời, nên tuy đích thực dở hơi mà vợ hoặc người tình trông chẳng giống mỹ nhân một tý tẹo nào.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Đàn bà uống rượu
Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà

2. Đàn bà uống rượu
    
    Trong các cuốn biên niên huyền sử ẩm thực hành văn của nhân loại, cho dù tốn nhiều công phu khảo cứu kỹ lưỡng, các học giả uyên bác vẫn vô cùng khó tìm được những tấm gương điển hình về đàn bà uống rượu. Mặc dầu, cũng ở những cuốn ấy, các ví dụ dẫn chứng về chuyện bét nhè đàn ông thì luôn ăm ắp đầy. Chuyện có thể là dở, ví như đại thi hào Lý Bạch (701-762) vì quá say, lãng mạn chìm xuống sông để mò trăng. Cũng có thể là hay như những nam dũng sĩ yêu nước người Hùng gia Lợi ở thành Eghe (1552), suốt cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, khi lâm trận bao giờ cũng hào sảng uống hàng chục thùng vang đỏ huyết bò. Nói chung, ngoại trừ chuyện phù phiếm văn chương, những sử liệu về rượu hầu như đều vắng thiếu khuôn mặt phụ nữ. Một phần có lẽ là do chủ quan của người biên soạn, đại loại vì là đàn ông nên nghiễm nhiên vô thức mặc định rằng: giống như sự tự do, giống như gió lộng trên đỉnh cô sơn, rượu là thứ cuồng nhiệt phóng khoáng, không phải là chỗ cho dịu dàng phái yếu. Phần nữa là do khách quan, cơ địa tâm hồn người nữ vốn nồng nàn dễ thăng hoa lên men, rượu với họ sâu xa là đồng bản chất. Mỹ nhân đương nhiên là mỹ tửu. Phàm những thứ giống hệt nhau khi rót lẫn vào nhau, đám đàn ông thích độc đáo huênh hoang thường không để ý và cũng không thể nhận ra nổi.
    Thực ra đàn bà uống rượu hoàn toàn không phải là do tửu lượng kém. Khác với đàn ông thường uống lúc quá vui hoặc quá buồn, thậm chí cả những lúc dung tục vô sự, đàn bà ngày xưa chỉ uống khi họ quá chán. "Chán" là một trạng thái tâm lý phức tạp đặc biệt tinh tế, nó là nơi kết tụ của những bải hoải khi bị vô số nỗi buồn lớn nhỏ vây hãm. So với buồn, chán cheo leo nguy hiểm hơn rất nhiều. Buồn thì người ta có thể ngắm mưa rồi trong trắng làm thơ, có thể nhìn chứng khoán rồi hung dữ kiếm tiền. Còn chán, đó là như buông bỏ tất cả. Chẳng yêu chẳng ghét, dửng dưng nản chí mất thiết tha với mọi sự. Hôm trước vừa đi nghe giao hưởng ở Nhà hát Lớn, hôm sau đã đến sân khấu Phú Nhuận xem tấu hài. Tuần này vừa cong cớn cãi nhau với hàng xóm, ngay tuần sau đã leo lên tivi sang trọng tranh luận về nữ quyền. Có lẽ vì thế khi say, nhiều thiếu nữ trẻ hay trằn trọc khóc, vài người đa cảm hơn thì nhường bạn tính tiền. Nước mắt của họ khi rơi xuống chén, chán chẳng buồn chìm. Đàn bà thật say, đôi khi cũng kêu ca nói nhiều nhưng tuyệt chẳng bao giờ thô bạo đánh nhau. Phẩm chất tự nhiên cao quý này, thường chỉ thấy ở đức hạnh của những tinh hoa quân tử ( tiếng Tây gọi là Elite). Theo các danh nho bên Tàu, thì kẻ quân tử chỉ động khẩu chứ không động thủ.
    Đàn bà tuy ít uống rượu nhưng hành nghề bán rượu lại hơi bị nhiều. Trong kho tàng ca dao thành ngữ Việt, có vô số những câu tuyệt hay nói về họ. Một câu phổ thông là " Còn trời còn nước còn non. Còn cô bán rượu anh còn say sưa". Ở thời bao cấp thóc cao gạo kém, nhà nước ban hành chính sách cấm tư nhân nấu rượu thì những tay buôn lậu rượu lẻ lỗi lạc nhất bao giờ cũng là phụ nữ. Hoặc một thôn nữ chân thật ngây thơ, hoặc một thiếu phụ giả vờ ngơ ngác. Bọn họ giấu "quốc lủi" vào săm xe đạp cũ, quấn kín trong người và rót cho khách quen qua một tuy ô làm bằng ống tre nhỏ. Khi bị cán bộ phòng thuế bắt được, trắng tay, họ ngậm ngùi chán nản tìm nơi vắng độc ẩm nốt chỗ rượu sót. Thời Tống Triết Tông bên Tàu, có một nữ chủ quán rượu khét tiếng đến mức, kiệt tác Thủy Hử phải trân trọng chép. Đó là Mẫu Dạ Xoa Tôn Nhị Nương, mở quán ngay dưới một chân núi hiểm trở thưa người qua lại. Tôn Nhị Nương bán rượu rẻ vì có pha thuốc mê. Đám đàn ông đi du lịch hặc phát vãng qua thì thích lắm, uống xong say mềm bị nữ quán chủ đưa vào gian bếp sau nhà tái chế làm nhân bánh bao. Tôn Nhị Nương bán rượu giỏi, uống rượu lại càng giỏi, vì thế tuy chồng là một hảo hán, Thái Viên Tử Trương Thanh, nhưng cũng chỉ giữ chân cửa hàng phó. Về sau, hai vợ chồng đều chính nghĩa gia nhập đám hào kiệt ở Lương Sơn Bạc. Theo thứ tự, Tôn Nhị Nương là đầu lĩnh mang số 103, sếp sòng của kha khá kiệt hiệt đàn ông.
    Những năm gần đây, theo một điều tra xã hội học nghiêm túc, thì cả Đông lẫn Tây, số lượng phụ nữ uống rượu bỗng tăng vọt. Vào các quán nhậu ở Hà Nội, New York, Thượng Hải, Paris nhan nhản ngập đầy những thiếu nữ xinh như mộng ngồi nốc whisky. Họ uống chẳng cần chán, nhiều nàng khi say không những quàng quạc động khẩu mà còn động thủ đánh cả bạn tình là đàn ông ngồi bên cạnh.
    Những đàn ông bị ăn đòn này, vừa nhai bánh bao vừa ao ước nghĩ, giá mà còn quán của Tôn Nhị Nương.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Đàn bà uống rượu
Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà
  
 Sỏi đá phôi pha

1. Bao giờ sỏi đá phôi pha

    Thường những gì đầu tiên bảng lảng rất khó quên và hoang mang khó quên nhất là những nỗi nhớ của một vài tình yêu đầu. Những mối tình đầu ấy không cứ phải là một thiếu nữ. Hoặc chỉ là rưng rưng một trang sách nguệch ngoạc bên lề mấy chữ tỏ tình. Hoặc là nỗi hồi hộp trong trắng vô cớ trước một chuyến đầu tiên đi xa. Đôi khi, nó giản dị là nham nhở một vết cắt mù mờ ký ức, nhưng nó rờn rợn miên viễn ám ảnh rồi tái tạo bao nhiêu là thời gian đã mất. Một nhà văn bạn thân vong niên, người đối ẩm với tôi qua nhiều ngày rỗng tuếch đã hơn một lần kể. Ông không làm sao nhớ nổi được truyện ngắn đầu tiên của mình mà loay hoay chỉ nhớ về cốc rượu đầu tiên. Còn tôi, đương nhiên tôi nhớ được nụ hôn đầu, tôi không thể quên nỗi tuyệt vọng đầu và tôi luôn nghẹn ngào nhớ cái lần đầu nghe nhạc Trịnh.
    Phố nhỏ nơi tôi ở của cái thời xa vắng ấy là một phố công giáo thuần thành. Phố buồn bã hơi trầm, dịu dàng nằm sát Nhà thờ Lớn Hà Nội. Chênh chếch bên kia vỉa hè nhà tôi có một nhạc sĩ già, ông là người chơi đại phong cầm duy nhất của ca đoàn giáo xứ. Ông nhạc sĩ là kiểu ẩn sĩ tinh hoa nhiều kỹ tính của Hà Nội phố cổ. Giống như cái đại phong cầm độc đáo kia đang âm thầm bị mối ăn, ông mòn lặng thanh bạch sống với nhạc. Hình như ông ít sáng tác, có lẽ hồi đó người ta quen hát hùng ca tráng ca chứ ít ai chịu hát thánh ca. Ông ham chơi cờ và trong mênh mông cô đơn ông đành chơi với tôi, một thằng nhóc vừa xong trung học, có thói quen của thời đại, chẳng biết chia sẻ và hừng hực hiếu thắng. Cái buổi chiều lạ lùng ấy, như nhiều lần tôi sang nhà ông chơi và đang sắp sửa chuẩn bị chiếu bí thì bưu điện gửi đén một bưu phẩm chỏ. Ông nhạc sĩ già chắc biết trước, run run lấy dao rọc giấy xi măng màu vàng nhếch nhác, phía trong là một đĩa nhạc vuông " bốn nhăm" bìa in chân dung hơi nhòe một thanh niên có cái nhìn đeo kính mỏi mệt của một trung niên. Ông nhạc sĩ già lưỡng lự đưa mắt sang tôi, rồi như không dừng được, ông để đĩa lên cái máy quay sờn cũ sạch sẽ. Ông im lặng thành kính mông lung, phía tường đối diện là cây Thánh giá Đức Chúa Giêsu chịu nạn. " Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao." Tôi hoang mang ngồi cạnh ván cờ dang dở, người như tan theo cái giọng ca day dứt mộc huyền mị. Đó là "Sơn ca 7", đó là Khánh Ly, đó là "Diễm xưa". Và nhưng nhức bao trùm hơn hết, đó là Trịnh Công Sơn. Tôi nhìn bác nhạc sĩ long lanh sương lệ, rồi tôi nhìn tôi, lần đầu tiên tôi biết thế nào là " ướt mi".
    Những ván cờ tiếp theo ở "những buổi chiều không biết cất vào đâu" (thơ Thi Hoàng) tôi hạnh phúc được nghe "Hạ trắng" nghe "Cho một người nằm xuống" nghe những nỗi bâng khuâng chập chờn khắc khoải mà thế hệ mới lớn miền Bắc của tôi chưa từng thấy có. Vào đại học, vì tin ở nhạc Trịnh Công Sơn, tôi đi tìm Bùi Giáng, Nguyên Sa, Phạm công Thiện, Dương Nghiễm Mậu.. những kiểu cách hỉ nộ ái ố chẳng biết có là đúng hay sai, nhưng chắc chắn là tuyệt khác, tuyệt độc đáo. Và cũng từ nhạc Trịnh, tôi lâng lâng cay đắng thấy "Tuổi đá buồn" bởi tôi cũng đã yêu. Lạy Chúa, khi nàng bỏ "tôi bơ vơ giữa đời" để đi khát khao tìm danh tìm lợi thì thay bằng hằn học chua chát, tôi tự lẩm nhẩm "Em còn nhớ hay em đã quên". Ca khúc của Trịnh Công Sơn đã đạt tới chiều kích an ủi của những tôn giáo lớn.
    Ngày người nhạc sĩ già mất, tôi không biết. Những năm tháng ấy tôi lang thang đi mưu sinh. Căn nhà cũ của ông nhạc sĩ, những người thân đã bán cho một gã tầm thường để làm thành một quán cà phê. Tôi đã từng ngồi ở đấy, cố đừng bảo hoải nghe nốt "Như cánh vạc bay" và "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" được các diva thời thượng ồn ào gào thét. Tồi tôi đi như trôi về phía khuôn viên có hang đá Đức Mẹ. "Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài... Còn ai, còn ai". Giống như không biết bao nhiêu lần buồn nản, tôi níu kéo Trịnh Công Sơn cùng vào thánh đường, cầu nguyện cho những kỷ niệm thôi bớt phôi pha.
    Lúc ấy, chiều Hà Nội hình như có mưa bay trên tháp chuông Nhà thờ Lớn. 
 ............................................................................................................
Kỳ sau mời đọc: " Đàn bà uống rượu, Đàn ông dở hơi"

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Cuốn sách  
Ngược chiều vun vút
Tác giả: Joe Ruelle
" Một chàng Tây viết hay hơn ta"_____ Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét.

1. Thằng nào? 

 " Thằng nào?" em phục vụ hỏi.
  " Áo xanh kia kìa!" Chị phục vụ đứng bên cạnh bàn tôi trả lời, dùng đầu để chỉ đạo.
  Em phục vụ để đĩa cơm rang trên bàn một du khách người Tây mặc áo màu xanh, cười tươi, quay về chỗ bếp.

 Cảnh này diễn ra ở một quán ăn nhộn nhịp nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Nhất, Sài Gòn. Khu Tây ba lô. Chắc cả quán chỉ có tôi là ba lô biết tiếng Việt, đặt câu hỏi về cách dùng từ " thằng" của em phục vụ đó.
  Tôi công nhận Phạm Ngũ Lão không phải con đường văn minh nhất Việt Nam, cả về người ở lẫn người đến. Tôi cũng công nhận từ " thằng" không phải từ mạnh quá, đặc biệt trong trường hợp tôi vừa kể. Em phục vụ không có ý gì. Nhưng tôi vẫn cầm bút viết bài này như một cách âm thầm trả thù " nó".
  Việc đầu tiên là phải xác định vì sao tôi cảm thấy bực bội. Tôi khá chắc chắn nếu làm ở một quán chỉ có khách người Việt thì em ấy đã không dám hỏi " Thằng nào?" bằng giọng to và tự nhiên như thế. " Anh nào?"," Bàn nào?", " Ở đâu hả chị?" - có nhiều cách xác định suất cơm rang sẽ vào miệng ai mà không dùng đến ngôn ngữ chợ.
  Nhưng riêng điều đó chưa đủ khiến tôi bực bội như bây giờ. Người thiếu ý thức ở đâu cũng có. Chính tôi hay "tạm thời" thiếu ý thức, sáng phàn nàn về người khác, chiều làm giống y họ. Vấn đề phải lớn hơn em ấy.
  Mà nghĩ một lát, tôi thấy vấn đề lớn hơn thật. Từ lcu1 mới học tiếng Việt, tôi chứng kiến nhiều người Việt dùng từ " thằng" với đàn ông Tây trong trường hợp họ sẽ không dùng với đàn ông Việt.
  " Thằng ấy sẽ xuất hiện từ cánh gà bên phải", chị tổ chức sự kiện chốt lại vị trí của một khách mời người Tây ( trong lcu1 tôi im lặng dịch bài phát biểu ở bàn bên cạnh) Những người đàn ông Việt cùng tham gia sự kiện đó đều được chị ấy nhắc bằng " ông".
   " Thế thằng đó em gặp ở đâu?" Anh sinh viên hỏi cô bạn của mình trên đường về sau khi cả hai vừa đi uống cà phê cùng một anh tóc vàng và hai người Việt.
  " Ở triển lãm du học hôm kia anh ạ."
  " Thế à. Còn hai anh kia?"
  Vân vân và thằng thằng. Số lượng và chất lượng các ví dụ không quan trọng. Cuối cùng bài này là cảm nghĩ của cá nhân tôi- còn đúng hay không, cá nhân tôi nghĩ có quá nhiều trường hợp trong đó người Việt dùng " thằng" với Tây, mà dùng " anh, chú, bác, ông" với ta.
  Thằng ấy. Thằng kia. Nó. Đó là sự phân biệt chủng tộc. Tất nhiên nó không bằng sự phân biệt ác nghiệt mà nhiều người Việt vẫn phải chịu khi lập nghiệp ở nước ngoài. Nó cũng dễ bỏ qua; có nhiều trường hợp trong đó đàn ông Tây ở Việt Nam được đối xử tốt hơn đàn ông Việt - nếu giá phải trả là một số chữ " thằng" ngẫu hứng ( mà có hiểu được đâu) thì đó là sự quí mến rất rẻ.
  Có lẽ đó chính là lí do vì sao tôi bực bội. Thứ nhất, đó là hành động phân biệt mà tôi chứng kiến qua nhiều lần qua quá nhiều năm - em phục vụ đó là giọt nước làm tràn ly. Thứ hai, đàn ông Tây ở Việt Nam xét cho cùng thì khá sung sướng nên nếu tôi lên tiếng mạnh mẽ sẽ bị gọi là thằng Tây vô ơn.
..................................................................................................................................................................

Joe Ruelle không những viết văn mà còn làm những bài thơ rất tinh tế.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Em  
( Joe Ruelle)

Em dịu dàng
Anh thích

Anh khó ngủ
Em thích

Em lặng lẽ chờ anh đi ngủ
Em lên giường
Em nằm cạnh anh.

Người em ấm áp, mềm dịu.
Thỉnh thoảng mũi em chạm vào mũi anh.

Sáng em dậy sớm, đi đâu không nói
Sáng anh dậy muộn, ngủ tiếp, nhớ em.

Chiều em về
Em bắt đầu mở miệng là anh biết em cần gì, muốn gì
Và anh cho

Tối anh ngồi trên ghế sô pha, duỗi hai tay.
Em đến bên anh để nghe anh tâm sự
Mắt em xanh lá
Mắt em xanh đậm.

Anh...
Anh không biết nói sao.
Nếu em không phải là con mèo thì anh sẽ lấy em làm vợ.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Tuổi thơ

  Tròn hai tuổi, mẹ xoa lưng nó bảo: " Tý ở nhà. Mẹ lên thành phố mua kẹo cho con. Chiều mẹ về." Hết ngày hôm đó đến tối không thấy mẹ về nó cứ nhắc mãi. Nó ít khóc, chỉ buồn. 

  Nhiều ngày trôi qua không thấy mẹ về, nó vẫn chờ đợi và vẫn đinh ninh mẹ đang trên thành phố. 
  
  Lâu lắm, không thấy mẹ về. Nó nhớ. Nó bi bô hỏi nhiều người. Người lớn không ai dám nói dối nó nữa nên bảo mẹ đi nước ngoài. Nước ngoài xa lắm. Đến đó làm kiếm tiền mua bánh kẹo, quần áo, sách vở cho Tý. Mẹ đi, phải một năm mới về.

  Hết hè. Ngày, anh nó đi học. Nó ngồi trước cửa chờ anh, chơi với cái ghế, cái que. Ai đi chợ qua, đi làm đồng về nó cũng hỏi có đi nước ngoài không? Nó nói ngọng người ta không hiểu. Khi hiểu ra ai cũng cười. 

  Bố nó đi làm từ sáng đến tối mới về. Ông Tùng, nhà bên, bị ung thư. Ông không đi làm mà ở nhà dưỡng bệnh: Ông ốm, người gầy gò, thỉnh thoảng đau lại gào to. Tất cả tiếng gào của ông, cái bóng liêu xiêu của ông nó đều biết và đôi khi nó diễn cho mọi người xem và họ cười. Ông Tùng ở nhà cả ngày cũng buồn. Không có người trò chuyện nên ông sang chơi với nó. Ông nói với bố nó cho nó đi mẫu giáo. Để nó từ sáng đến trưa chờ anh đi học, ở nhà cả ngày chờ bố đi làm, không tốt cho đứa trẻ. Cho nó đến lớp có bạn bè.

  Từ ngày được đi học mẫu giáo nó tự giác lắm. Sáng, anh dậy, nó cũng dậy, xách chiếc ba lô cũ của anh thải ra, cho chai nước vào rồi đến lớp. 

  Lên ba tuổi, nó học được nhiều bài hát. Có con bé nhà bên lên hai. Nó sang dạy hát, dạy múa cho bé. Hai đứa trẻ thành đôi bạn và cũng biết cách bênh vực nhau.

  Một mùa hè, nó được đi biển và thích biển.

  Mùa hè năm sau, bố nó mang anh ra thành phố gửi nhà quen để học. Nó cũng dậy lên xe buýt đi cùng. Đến nhà người quen chơi một tí, nó lục ba lô không thấy quần áo của nó mang theo. Nó lăn ra khóc. Bố nó bảo, hai bố con mình đi biển. Nó nín. Bố nó đưa lên xe buýt để về nhà.

  Nó lại buồn, nước mắt chảy ra. Nó nhớ anh, thèm đi biển nhưng bố nó không quan tâm. Ông Tùng biết chuyện, sang quở trách:  Sao lại đi lừa trẻ con!

  Bệnh lâu, ông Tùng chập chờn trong cơn đau, hoa mắt chóng mặt. Ba năm qua, ông như cái lá lay lắt chờ rụng. Sau cơn đau, ông muốn sang chơi với nó. Nhưng nó đã sang nhà ông từ lúc nào. Lên năm tuổi rồi mà nó vẫn còn nói ngọng. Mẹ nó đi đã ba năm. Bố nó đã có một người phụ nữ khác, hò hẹn đi suốt. Nó hỏi ông hết đau chưa? Ông chỉ gật đầu. Nó lại kể chuyện, họ đi đông lắm. Đi xem thiếu nhi cắm trại. Ông Tùng rớt nước mắt. Nó muốn đi nhưng không ai dẫn đi. Ông vịn giường rời vịn tường đi bước một. Ra đến cửa ông dắt tay nó. Đi được một đoạn thì mệt quá lại ngồi. Mệt quá, ông muốn nằm xuống vệ đường. Rồi ông ước, giá mà mình có sức khỏe, giá mà mình đi được thì... Ông lén quay đi giấu giọt nước mắt. Ông căn cơ từng đoạn đường. Ông không đủ sức để đi nữa rồi. Ông thầm trách, sao sức khỏe lại bất công với mình. Còn cuộc sống lại luôn lừa dối một đứa trẻ. 

  Ông nhớ lần được bố nó đưa đi khám ngoài thành phố. Nó cũng được đi cùng rồi đi chơi trong siêu thị. Thằng bé không đòi mua, đòi ăn bất cứ cái gì. Đến chỗ ma-nơ-canh, thấy lạ, nó chỉ tay: người! Nó như nguồn động viên tinh thần cho ông. Khi những khối u li ti trong người ông vỡ, cơn đau ập đến. Ông nghĩ về nó, về sự hồn nhiên cùng tiếng bi bô quen cơn đau.

  Giờ đây, nó thèm đi chơi, cơn đau ập đến. Mình và nó đang mắc kẹt trên đoạn đường.

  Người đi xem thiếu nhi bước đi rầm rập. Đoàn xiếc chạy xuôi lu loa. Nó reo lên: Xiếc! Xiếc! Ông hỏi, có thích xem xiếc không? Nó gật đầu: Có. Và nó kể, được xem xiếc khỉ, xiếc chó trên TV. Đoàn xiếc buộc con chó, con khỉ trên xe khiến nó quên chuyện thiếu nhi. Đoàn người đi hết. Ông Tùng không đi được nên bảo nó quay về. Nó háo hức đi xem xiếc nhưng theo ông quay về.

  Tối đó, đoàn người rầm rập đi xem xiếc, bố nó vẫn chưa về, nó ra cửa đứng ngóng. Ai đi qua nó cũng hỏi đi xem xiếc phải không? Họ gật đầu, mắt nó ánh lên niềm vui. Và buồn khi không thấy ai đi qua nữa mà nó vẫn đứng đó.

  Khi đoàn người đi xem xiếc về thì nó đã ngủ.

  Hôm sau đoàn xiếc lại lu loa đi qua ngõ. Nó sang nhà ông Tùng và hẹn ông tối nay đi xem. Ông Tùng bảo đi xem phải có vé. Nó không biết vé là gì. Buổi tối, nhiều người đi xem xiếc qua nhà. Nó í ới nhắn mang vé về cho cháu.

  Sáng hôm sau có người phụ nữ cầm hai cái vé mang qua. Có vé nó sang rủ con bé, rủ ông Tùng, rủ bà nội, rủ bố, rủ anh. Có người nhắc. Hai cái vé mà rủ nhiều người thế thì ai vào xem, ai ở ngoài. Nó im lặng.

  Tối đó, ăn cơm xong, nó cầm hai tấm vé ra cửa đứng chờ. Mọi người hẹn nó đi mà không thấy ai đến. Mà hôm nay không thấy người đi như hôm qua.

  Nó sang ông Tùng. Cơn đau âm ỉ, ông cứ thiếp đi rồi tỉnh. Tỉnh rồi thiếp đi. Tối nào ông cũng rơi vào trạng thái như vậy. Càng ngày cơn đau càng kéo dài. Ông bệnh, giường chiếu chăn màn hôi. Hàng xóm không ai muốn đến. Ông không trách được ai mà trách ông... Rồi ông tỉnh. Dưới chân ông có người. Ông khẽ hỏi, ai đấy?

 _Dạ Tý!

  Ông Tùng vẫy tay nó lại gần. Nó xòe hai tấm vé xem xiếc. Ông bật công tắc đèn cho sáng hơn. Đoàn xiếc đã cuốn đồ đi rồi. Hai tấm vé cũ. Nó bị người ta lừa lần nữa. Mắt ông ngấn lệ, hoa dần.

  Thằng Tý vẫn chờ ông tỉnh để cùng đi xem xiếc.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Người cha Việt hai thập kỷ tìm con ở nước Nga

“Ở đây đẹp lắm, khi nào về con kể với ba nhé!” - câu nói cuối cùng của cô con gái Quỳnh Nga, lúc ấy 12 tuổi, luôn vang vọng trong lòng nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng suốt 20 năm nay, kể từ khi cô bé mất tích ở thành phố Sochi, miền Nam nước Nga.

Hai mươi năm qua đi, người cha tóc đã bạc vẫn sớm tối đi về bên căn hộ khiêm nhường ở ngoại ô Maxcơva, gồng mình với cuộc mưu sinh, với những lo toan của gần một chục lần chuyển nhà thuê, bám trụ lại nước Nga, bỏ đi bao nhiêu dự định ở Việt Nam, với hy vọng duy nhất: Tìm thấy con gái.
nga-1-1378345001.jpg
Bức ảnh được chụp vào dịp sinh nhật Quỳnh Nga hồi tháng 7/1993.
Suốt thời gian ấy, xếp ngăn nắp trên bàn làm việc nơi góc phòng của ông vẫn là bức ảnh cô bé Quỳnh Nga nhoẻn miệng cười tươi. Mọi đồ đạc liên quan đến cô bé từ quần áo, giày dép, sách vở, cho đến tập tranh vẽ khi nhỏ, gia đình ông vẫn giữ nguyên vẹn. Mọi thứ đều nhắc ông nhớ về cô con gái xinh xắn, ngoan hiền của mình: "Có thể nói là hai chục năm ròng, chưa một phút nào tôi không nghĩ đến Quỳnh Nga, không dành cho con tình thương vô hạn".
Cuối những năm 1980, nhà giáo - nhà thơ Nguyễn  Huy Hoàng và vợ cùng sang Nga làm nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov, họ đưa cả cô con gái sang theo. Quỳnh Nga khi ấy vào học lớp 3 trường phổ thông 222, cách chỗ ở 2 km.
Theo lời người cha, Quỳnh Nga là một cô bé có năng khiếu về hội hoạ và ngôn ngữ. Khi vào lớp học tại Matxcơva, cô bé không hề biết một chữ tiếng Nga nào. Nhưng với sự giúp đỡ của mẹ, vốn là giáo viên tiếng Nga, cộng với sự chăm chỉ, hai năm sau, Quỳnh Nga đã là học sinh xuất sắc của trường.
Nga rất thích vẽ. Hồi ở Hà Nội, khi Nga bắt đầu học vỡ lòng, mỗi tuần 3 buổi, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đưa con đi học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Tranh của Nga từng làm bìa tạp chí "Người bạn đường" của Hội Văn học Nghệ thuật tại Nga, được ông gộp lại thành một tập: "Đến tận bây giờ, tập vẽ ấy vẫn còn nguyên, mỗi lần nhìn, tôi lại trào nước mắt vì thương con".
Vào một ngày định mệnh tháng 7/1993, vợ chồng ông phải lìa xa cô con gái mới 12 tuổi của mình... Trước đó, vào đầu năm học, người cha hứa với con: "Năm nay nếu con được là học sinh xuất sắc, ba sẽ cho con đi nghỉ mát”, và tháng 6 năm đó, Quỳnh Nga đã đạt danh hiệu này. Nhưng vì cả hai vợ chồng ông đều bận viết luận án những chương cuối, vợ lại vừa sinh con gái Thảo Nguyên nên hai người định lần lữa hẹn Nga dịp khác.
Nhưng không muốn thất hứa với con, họ gửi cháu Quỳnh Nga cho một đôi vợ chồng học cùng trường đi nghỉ mát: "Con bé háo hức lắm, suốt đêm chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi nghỉ ở Sochi, lại còn gọi điện hết cho bạn bè để thông báo tin vui"- ông kể lại.
nga-3-1378345001.jpg
Bức ảnh gia đình nhà thơ Huy Hoàng chụp vào tháng 5/1993.
Linh cảm có điều bất thường đến ngay từ trưa 30/7, khi ông đưa con ra sân bay Vnukovo ở ngoại ô Matxcơva. "Tôi vừa cho xe vào bãi gửi, quay ra thì Nga và mọi người đã vào máy bay rồi. Không hiểu sao lúc đó tôi nóng ruột vô cùng, cứ nghĩ đến những điều không lành xảy ra dù trước đó tôi đã dặn dò hai vợ chồng người bạn là cháu còn nhỏ, nhờ chăm sóc và quan tâm đến cháu. Họ cũng đã nhận lời và hứa sẽ hết lòng".
Một vài sự cố trùng lặp xảy ra trước đó khiến ông càng lo lắng hơn, như chiếc xe của ông bị đâm hai lần vỡ cả hai đèn trái phải, trước đó chỉ vài ngày. "Suốt đêm đưa Quỳnh Nga ra sân bay, tôi không sao chợp mắt. Thời ấy lại chưa có điện thoại di động, nên không có cách gì liên lạc được với con. Mãi tối hôm sau nữa, con gọi điện về tôi mới hết lo".
Câu cuối cùng Quỳnh Nga nhắn lại với bố là "Ở đây đẹp lắm, khi nào về con kể với ba nhé". Ngay tối hôm sau, ông nhận được tin Quỳnh Nga bị lạc. "Tôi lập tức xuống Sochi. Suốt gần 5 tháng ở đó, tôi lặn lội khắp nơi, gặp bao nhiêu người, dò hỏi tin tức nhưng bặt vô âm tín".
Người cha trở về Matxcơva trong tình trạng kiệt quệ, người vợ bị ốm còn 36kg, bé Thảo Nguyên còn nhỏ. Hai vợ chồng ông định bỏ việc bảo vệ luận án "phần vì không còn tâm trí nào ngồi viết tiếp, phần vì hoàn cảnh vô cùng khó khăn". Nhưng nhà trường đã động viên hai người rất nhiều, họ gia hạn cho hai vợ chồng ông thêm một năm không lấy tiền, kể cả nhà ở, đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên của Trường Lomonosov.
"Suốt 5 tháng tôi bay đi, bay lại nhiều lần thành phố nơi Quỳnh Nga bị lạc, lo các chương trình tìm kiếm. Vợ bị ốm nặng, cháu Thảo Nguyên còn nhỏ, tiền học bổng chỉ đủ mua thuốc và nhu yếu phẩm, thậm chí tiền ăn, thực phẩm đều do bạn bè lo liệu. May mắn là tôi đã nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng người Việt Nam ở Nga, có nhiều chuyện rất cảm động, không thể nào quên được".
Các chuyên gia hình sự Nga dựa trên các thông tin có được phân tích rằng cháu Quỳnh Nga bị bắt cóc. Theo lời kể của vợ chồng người bạn đưa cháu đi, chiều đó, mọi người đi ra bãi tắm trên xe buýt. Ngồi cùng với Quỳnh Nga là một người phụ nữ cùng một đứa trẻ con. Trên đường đi, người phụ nữ khen cô bé có mái tóc dài đẹp, nói tiếng Nga hay quá. Đến bãi biển, chỉ có Quỳnh Nga ở lại cùng người phụ nữ này. Khi vợ chồng người bạn tắm biển trở lên, họ không thấy còn ai cả.
Trung tâm tìm kiếm trẻ thất lạc toàn Nga đã vẽ lại khuôn mặt người phụ nữ kia qua lời kể của vợ chồng đi cùng Quỳnh Nga để đăng lên các trang tìm kiếm của công an. Thời ấy là những năm Liên Xô tan vỡ, nước Nga loạn lạc, khu vực Sochi gần Gruzia, nơi có hàng nghìn băng đảng hoành hành, nên việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn hơn. Suốt hai chục năm qua, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đi khắp nơi trên đất nước Nga, đã gặp nhiều nhà khoa học hình sự, các nhà ngoại cảm, thầy bói, người xem bài, các bà Digan, thậm chí cả bà Vanga - nhà tiên tri nổi tiếng thế giới - để nhờ tìm con. Tất cả họ đều khẳng định Quỳnh Nga còn sống, "yên tâm rồi sẽ về".
Ông cũng nhiều lần trở Việt Nam, gặp gỡ nhiều nhà ngoại cảm, tử vi, gửi thông tin cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Thông điệp tìm con đã gửi lên cả chương trình Hãy chờ tôi của truyền hình Nga, hay chương trình tìm kiếm của Interpol. Một website tìm con với 7 thứ tiếng đã ra đời.
Nhiều trang mạng Việt Nam và hầu như khắp thế giới đã gửi đi những thông điệp của nhà thơ về đứa con gái thất lạc của ông. Ông nhận được hàng nghìn bức thư và lời chia sẻ.
Hàng năm, mồng 1/9 là ngày khai giảng ở Nga. Mỗi lần như vậy, ông chỉ dám đứng ở từ xa nhìn những học sinh náo nức đến tựu trường 222, không dám đến gần vì mỗi hình ảnh ngôi trường đều gợi lên cho ông bao kỷ niệm về con gái.
"Tôi không hề có một ước vọng nào lớn lao hơn là con gái Quỳnh Nga sẽ trở về" là câu nói chất chứa đầy tâm trạng của người cha ngày ngày ngóng trông con. Không thể giãi bày hết, ông gửi lời nhắn tìm con qua những dòng thơ da diết:
Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín
Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?

Nguồn: Yahoo.com.vn